Tuyên truyền pháp luật về dân sự
05/04/2017 7:58:00 SA
3203 lượt xem
In Đọc bài

 

Huyện Mù Cang Chải có trên 90% là dân tộc Mông, việc tuân thủ, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước của người dân cơ bản tốt; chưa có khiếu kiện đông người, phức tạp và chưa có vụ trọng án lớn xẩy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dân sự nhìn chung người dân còn xem nhẹ. Cụ thể như chia tài sản; cha mẹ chỉ chia con trai, còn con gái thì không được hưởng một tí tài sản của cha mẹ đẻ. Sau khi cha mẹ qua đời, con gái cũng không được thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ.

            Thực hiện công tác tư vấn pháp luật và tuyên truyền pháp luật tại các bản trên địa bàn huyện, có nhiều chị em phụ nữ bức xúc về quyền bình đẳng chia thừa kế di sản và hàng thừa kế.

            Sau đây xin thông tin, trao đổi một số quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật, cụ thể như sau:

            I. Về nguyên nhân

            Thứ nhất: Do phong tục tập quán của người dân nơi đây còn trọng nam, khinh nữ; coi con gái đã lấy chồng thì phải theo chồng không được hưởng tài sản của mình.

            Thứ hai: Trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế chưa bình đẳng trong việc chia thừa kế di sản.

            II. Quy định của pháp luật về thừa kế

            1. Thời hiệu

            Bộ Luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015 đã đưa ra quy định mới về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 623: “thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Như vậy, việc chia thừa kế vẫn phải tuân theo thời hiệu do pháp luật quy định. Tuy nhên, Bộ luật dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015 đã quy định cụ thể: thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế trong trường hợp di sản thừa kế là bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm.

            Đặc biệt, Bộ luật dân sự đã quy định rất rõ ràng phương án giải quyết đối với những di sản thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện. Đó là:
“Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

            a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

            b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.

            Quy định trên vừa tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, vừa tạo điều kiện để khai thác triệt để công dụng của tài sản.

2. Thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

2.1. Người lập di chúc

- Người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người từ đủ mười năm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ cũng có thể lập di chúc; di chúc này phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

2.2. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

2.3. Hình thức di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

- Di chúc bằng văn bản có công chứng.

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.  Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

2.4. Di chúc hợp pháp

Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp,        nếu người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

2.5. Hiệu lực của di chúc

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

 Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.

 Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

 Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

2.6. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản do có hành vi hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; hoặc có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

3. Thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 649 BLDS 2015 thì: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

3.1. Các trường hợp thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 650 BLDS 2015, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

- Không có di chúc: Đây là trường hợp theo quy định của pháp luật thì người để lại di sản có năng lực chủ thể trong việc lập di chúc nhưng người này lại không thực hiện quyền lập di chúc, do đó không có di chúc.

- Di chúc không hợp pháp: Người để lại di sản có để lại di chúc nhưng di chúc đó vi phạm các điều kiện có hiệu lực của di chúc do pháp luật quy định. Trường hợp này di chúc bị coi là vô hiệu nên di sản được chia theo pháp luật.

- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp này, di chúc sẽ bị coi là vô hiệu và di sản được chia theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu chỉ có một trong số những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (đối với cá nhân) hoặc một trong số cơ quan, tổ chức không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di sản liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này vô hiệu và được chia thừa kế theo pháp luật.

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý có trường hợp người thừa kế nhường quyền thừa kế của mình cho người khác (thực chất là người thừa kế cho người khác phần di sản mà lẽ ra họ được hưởng) thì cũng không coi là từ chối quyền hưởng di sản.

Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc: Người để lại di sản có nhiều di sản nhưng họ chỉ định đoạt một phần nhất định trong tổng số khối di sản do họ để lại. Đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật.

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật: Nếu di chúc có một phần vô hiệu mà không ảnh hưởng đến các phần còn lại thì chỉ phần di sản có liên quan đến phần của di chúc vô hiệu được chia theo pháp luật còn các phần khác vẫn được chia theo ý chí của người lập di chúc.

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3.2. Người thừa kế theo pháp luật

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật, quy định theo thứ tự sau:

a) Hàng thừa kế thứ nhất

Gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Quan hệ thừa kế giữa vợ với chồng và ngược lại: Vợ sẽ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của chồng và ngược lại. Tuy nhiên, chỉ coi là vợ chồng nếu hai bên nam nữ kết hôn hợp pháp (tức là phải đủ tuổi kết hôn và phải đăng ký kết hôn).

Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và ngược lại: Cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ được thừa kế theo pháp luật của nhau. Con đẻ được hưởng thừa kế của cha mẹ đẻ không kể là con trong giá thú hay con ngoài giá thú và ngược lại.

Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại: Để có thể được hưởng thừa kế thì quan hệ nhận nuôi con nuôi phải hợp pháp theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

b) Hàng thừa kế thứ hai

Gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Quan hệ thừa kế giữa ông nội, bà nội với cháu nội, giữa ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại và ngược lại: Ông bà nội là người sinh ra cha của cháu, ông bà ngoại là người đã sinh ra mẹ của cháu. Nếu cháu (ruột) chết thì ông bà nội, ông bà ngoại sẽ ở hàng thừa kế thứ hai của cháu và ngược lại.

Quan hệ thừa kế giữa anh chị ruột với em ruột và ngược lại: Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể nhưng có thể hiểu anh chị em ruột là anh chị em cùng cha hoặc cùng mẹ. Do vậy, nếu anh chị ruột chết trước em ruột thì em ruột được hưởng thừa kế của anh, chị ruột và ngược lại.

c) Hàng thừa kế thứ ba

Gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Khi chia thừa kế theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản

Tóm lại:  Một người muốn được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật, thì điều kiện phải có quan hệ: Huyết thống, hôn nhân, chăm sóc, nuôi dưỡng với người để lại di sản. Hàng thừa kế được quy định cụ thể tại Điều  651 của Bộ luật dân sự 2015; và cũng theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 thì diện thừa kế,  tức “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”./.

 

Lý A Lử, Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải.

 

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Liên kết