rong rất nhiều hủ tục có một vấn nạn còn tồn tại bấy lâu nay đó chính là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2020 giảm tổng tỷ suất sinh ( ảnh minh họa)
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ 2014). Tảo hôn là một tập tục (hủ tục) tồn tại lâu đời ở nhiều nhóm cộng đồng và các dân tộc. Tảo hôn không chỉ gây hại sức khoẻ cho sức khoẻ, sự trưởng thành của trẻ em mà còn tước đoạt nhiều quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của nhóm cộng đồng và dân tộc.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành cũng như các văn bản pháp luật không đưa ra khái niệm cho thuật ngữ “hôn nhân cận huyết thống”. Vậy, hôn nhân cận huyết thống là gì? Theo cách hiểu thông thường, hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nước ta.
Tác hại và ảnh hưởng của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Đối với bản thân và gia đình: Làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội để cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, đặc biệt kết hôn cận huyết thống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực.
Bản thân những bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng đến sức khỏe do cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện, ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái do chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống tương lai của những bà mẹ và những đứa trẻ được sinh ra. Những trẻ em được sinh ra từ những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thường mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng. Hơn nữa khi sức khỏe không đảm bảo khi mang thai cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến gây tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Có nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường phải bỏ học để lấy vợ lấy chồng, mất cơ hội học tập, kinh nghiệm cuộc sống còn non trẻ, nhưng phải lo toan cuộc sống gia đình mà chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động phổ thông nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn kinh tế, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình bị hạn chế, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo.
Những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống rất khó khăn, chưa hiểu biết nhiều về kiến thức nuôi dạy con cái, cũng như trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha, làm mẹ, nên các cặp vợ chồng trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, thường xảy ra mâu thuẫn. Hạnh phúc gia đình dễ bị rạn nứt, tỷ lệ ly hôn cao.
Đối với xã hội: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi, những cặp kết hôn cận huyết thống dù khoẻ mạnh nhưng khi kết hôn cận huyết làm tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi, họ có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc bệnh tật di truyền mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời mà nhiều chuyên gia Y tế đã cảnh báo như: Bệnh mù màu (Không phân biệt được màu xanh, màu đỏ). Bệnh bạch tạng, da vẩy cá. Bệnh tan máu bẩm sinh...
Từ những nguyên nhân, hậu quả trên cho thấy để ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách góp phần quan trọng và trực tiếp cải thiện chất lượng giống nòi và nâng cao chất lượng dân số bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế khác; quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác có liên quan; lợi ích của gia đình, của Nhà nước và xã hội là trách nhiệm mỗi cá nhân, gia đình cộng đồng và toàn xã hội, vì vậy cần thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của nhà nước nói chung, Luật hôn nhân gia đình năm 2014; các tập quán cần vận động xóa bỏ và những tập quán lạc hậu cấm áp dụng tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Những trẻ em được sinh ra có tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tử vong sơ sinh cao hơn. Đặc biệt đối với các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống, những đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, nhất là bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.
Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản; là gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực và gây hậu quả tiêu cực đến sự phát triển và tiến bộ xã hội, đồng thời là nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói, thất học.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật
Theo quy định của pháp luật, tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Về xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.
Về hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Còn người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.
Để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, ngoài sự nỗ lực của ngành Dân số rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời công tác truyền thông phải sát với tình hình thực tế, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện để những câu chuyện buồn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi của tỉnh Yên Bái không còn xảy ra.