TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH (Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ; Bộ Luật hình sự năm 1999)
06/02/2017 7:21:58 SA
2482 lượt xem
In Đọc bài

 PHẦN I

LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014

 

CÁC HÌNH VI NGHIÊM CẤM:

 

            Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

            1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

            2. Cấm các hành vi sau đây:

            a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

            b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

            c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

            d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

            đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

            e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

            g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

            h) Bạo lực gia đình;

            i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

            3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

            Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

            4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.

 

TẢO HÔN LÀ GÌ?

 

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình ( Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).

 

* Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật "Điều 10" Luật hôn nhân và gia đình quy định: 

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nướvề trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

 

PHẦN II

XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

* Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013   quy định phạt tiền đối với người môi giới kết hôn  (Chí mình công):

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật.

* Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013 quy định phạt tiền đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn:

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó.

* Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;

e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng việc ly hôn để vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để trốn tránh nghĩa vụ tài sản.

 

PHẦN III

TỘI PHẠM VỀ HÌNH SỰ

(Bộ luật hình sự năm 1999)

            * Tội giao cấu với trẻ em:

            Nếu cặp tảo hôn đó vợ hoặc chồng dưới 16 tuổi. Người vợ hoặc chồng trên 16 tuổi giao cấu với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại: Điều 115 Tội giao cấu với trẻ em

            "1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

            2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

            a) Phạm tội nhiều lần;

            b) Đối với nhiều người;

            c) Có tính chất loạn luân;

            d) Làm nạn nhân có thai;

            đ) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

            3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

            a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;

            b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội".

 

            * Tội cưỡng ép, cản trở kết hôn; vi phạm chế độ một vợ, một chồng; tổ chức tảo hôn:

 

            - Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ

            Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

            - Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

            1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

            2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

            - Điều 148. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn

            Người nào có một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

            a) Tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn;

            b) Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.

PHẦN IV

TÁC HẠI TẢO HÔN

 

            Tảo hôn sẽ gây ra nhiều hậu quả lâu dài và rất nghiêm trọng cho cả gia đình, nòi giống dòng họ và cả xã hội, là trở lực ngăn cản xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Do vậy, chúng ta cần phải nhận thức rõ những tác hại do tảo hôn đem lại, cụ thể:

            Một là: Tảo hôn sẽ sinh ra những đứa con còi cọc, khả năng chống các bệnh tật rất kém dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, rất khó chữa. Như vậy, gia đình phải chăm lo sức khỏe cho con nhiều hơn, tốn kém nhiều tiền của hơn và sẽ rất khó thoát khỏi đói nghèo, dòng dõi gia đình sẽ bị thoái hóa, các thế hệ sau ngày càng nhỏ đi, dòng dõi càng ngày càng bị suy thoái.

            Hai là: Tảo hôn sẽ sinh ra những đứa con kém phát triển trí tuệ, khả năng học tập kém, không có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sẽ không thể phát triển được sản xuất và không thể thoát được đói nghèo.

            Ba là: Tảo hôn thì vợ, chồng của người tảo hôn sẽ không có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, mặt khác chưa phát triển đầy đủ sinh lý và tâm lý, chưa đủ khả năng để chăm sóc con phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh, toàn diện, do đó những đứa con đó lớn lên sẽ rất khó khăn về nhiều mặt như sức khỏe, học hành, tìm việc làm...

            Bốn là: Xã hội sẽ phải chăm lo nhiều hơn về mặt y tế, điều kiện học hành đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... đòi hỏi mỗi con người phải có trí tuệ phát triển, có thể hình to cao, có sức khỏe tốt... những đứa con của những người tảo hôn sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

            Năm là: Xây dựng một xã hội văn minh, đòi hỏi mỗi người phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, để xây dựng chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Vì vậy, tảo hôn là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

            Sáu là: Tảo hôn là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, là trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...

            Tóm lại: Tảo hôn gây ra suy thoái giống nòi của gia đình, dòng họ, rất khó khăn thoát khỏi đói, nghèo, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, vi phạm pháp luật và trái với đường lối, chủ trương của Đảng./.

 

 Lý A Lử, Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải

 
 

 

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Liên kết