Thời gian qua, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT&TT) đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Đồng thời, siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội.
Theo tin từ Bộ TT&TT, một số sở TT&TT đã đưa ra đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn và phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng; siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội.
Đối với đề nghị siết chặt việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội, Bộ TT&TT cho rằng, việc đưa thông tin sai sự thật và thông tin gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị và an toàn xã hội là những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 Luật Báo chí ngày 05/4/2016; Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử, Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về báo chí của các cơ quan báo chí, đặc biệt, các quy định liên quan nội dung thông tin và hoạt động báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet.
Trong trường hợp xác định các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin sai phạm, thì tuỳ theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép (nếu có), thu hồi tên miền, hoặc có thể truy tố hình sự.
Ngoài ra, đối với thông tin vi phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin từ nước ngoài, trên các dịch vụ phổ biến của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam) thì việc phát hiện và xử lý khá phức tạp do những trang tin có vi phạm chủ yếu đặt máy chủ ở nước ngoài, thay đổi địa chỉ IP liên tục. Những trường hợp này, Bộ TT&TT vẫn phối hợp với Bộ Công an xử lý theo các quy định hiện hành tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam trong việc phối hợp với cơ quan quản lý để loại bỏ nội dung thông tin vi phạm theo quy định.
Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã thiết lập được cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Google, Youtube, Facebook... để yêu cầu gỡ bỏ những nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên các dịch vụ nội dung trên và trên thực tế đã đạt được những kết quả nhất định.
(Theo chinhphu.vn)