CÁC QUYỀN CỦA CÔNG DÂN TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH
( Theo Luật Hộ tịch 2014;
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ ;
Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015;
Bộ luật dân sự 2015; Luật Nuôi con nuôi 2010;
Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.)
![]() |
Mù Cang Chải là huyện vùng cao nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái với trên 90% dân số là đồng bào Mông. Hiện nay, do vẫn ảnh hưởng của những phong tục, tập quán lạc hậu cũng như trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên những quy định của pháp luật nói chung và trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng vẫn chưa được người dân quan tâm trong đó có cả những quyền lợi thiết thực nhất gắn liền với mỗi cá nhân như: Quyền được đăng ký khai sinh, khai tử; Quyền đăng ký kết hôn…cũng chưa được người dân chú trọng nhiều. Chính vì vậy, nghiên cứu và tìm hiểu các quyền của công dân trong lĩnh vực hộ tịch là rất cần thiết.
A. KHÁI QUÁT CHUNG
Tại Điều 2, Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 quy định:
“Điều 2. Hộ tịch và đăng ký hộ tịch
1. Hộ tịch là những sự kiện được quy định tại Điều 3 của Luật này, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết.
2. Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư.”
Điều 3. Nội dung đăng ký hộ tịch
1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
a) Khai sinh;
b) Kết hôn;
c) Giám hộ;
d) Nhận cha, mẹ, con;
đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
e) Khai tử.
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính;
d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
e) Công nhận giám hộ;
g) Tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Từ các quy định trên cho thấy có rất nhiều các sự kiện hộ tịch khác nhau được phát sinh trong quá trình tồn tại và phát triển của mỗi người. Tuy nhiên, các sự kiện hộ tịch đó chỉ có thể được công nhận khi công dân thực hiện việc đăng ký hộ tịch tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
B. CÁC QUYỀN CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
I. QUYỀN ĐĂNG KÝ KHAI SINH
Quyền được khai sinh là một trong các quyền cơ bản của con người, là quyền quan trọng của trẻ em ngay từ khi sinh ra đồng thời Giấy khai sinh được xác định là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân và sẽ theo suốt cuộc đời của mỗi người.
- Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 quy định cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.
- Khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch.
- Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định: Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau khi sinh ra và có quyền có họ tên, quyền có quốc tịch và trong chừng mực có thể, quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ mình chăm sóc sau khi ra đời.
- Để đảm bảo thực hiện quyền được khai sinh của trẻ em, Khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch quy định:
“Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em trước hết thuộc về cha, mẹ của trẻ; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con (cha đi công tác xa, mẹ mới sinh còn yếu, không đi được…) thì ông hoặc bà (bao gồm cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại) hoặc người thân thích khác có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho trẻ.
Người thân thích theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm: người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời.
- Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi/ trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh trong thời hạn Luật quy định (60 ngày kể từ ngày sinh hoặc ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi).
Tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định:
“Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
“1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.”
II. QUYỀN ĐĂNG KÝ KẾT HÔN
Quyền kết hôn theo Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật dân sự 2015 quy định : “cá nhân có quyền kết hôn…”
Tại Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014: Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn
Công dân có quyền đăng ký kết hôn để được cấp giấy chứng nhận kết hôn tạo cơ sở pháp lý để được Nhà nước ghi nhận việc xác lập quan hệ vợ chồng và xác định thời điểm có hiệu lực của quan hệ hôn nhân, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, cha, mẹ, con.
III. QUYỀN ĐĂNG KÝ VIỆC THAY ĐỔI, CẢI CHÍNH, BỔ SUNG VÀ XÁC ĐỊNH LẠI DÂN TỘC
Người có sự kiện hộ tịch có quyền yêu cầu thay đổi, cải chính, bổ sung hoặc xác định lại dân tộc khi thuộc một trong các trường hợp do pháp luật quy định và có đủ các căn cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp lý. Cụ thể:
1. Quyền thay đổi hộ tịch
Khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định: “Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
Điều 26 Luật hộ tịch 2014 quy định phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm:
- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
- Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Điều 27, Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định : cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc thay đổi họ, chữ đệm, tên trong một số trường hợp như: Thay đổi họ cho con từ đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ và ngược lại; Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó…
2. Quyền cải chính hộ tịch
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch thì: Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch
Theo quy định trên, tất cả các sự kiện hộ tịch mà công dân đã đăng ký trước đây phát hiện có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch thì đều được thực hiện thủ tục cải chính hộ tịch bao gồm thông tin trên giấy tờ hộ tịch và thông tin trong sổ hộ tịch.
3. Quyền bổ sung hộ tịch
Khoản 13 Điều 4 Luật Hộ tịch quy định: Bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký.
Trong trường hợp công dân đã đăng ký các sự kiện hộ tịch trước đây nhưng chưa đủ thông tin, nay có giấy tờ xác định thông tin còn thiếu thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung những thông tin còn thiếu vào giấy tờ hộ tịch và sổ hổ tịch.
4. Quyền xác định lại dân tộc
Quyền xác định lại dân tộc là một trong trong những quyền nhân thân đã được ghi nhận tại Điều 29 Bộ luật dân sự 2015:
1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.
2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.
4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.
5. Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
Khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 quy định: Xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy, khi công dân thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc.
IV. QUYỀN ĐĂNG KÝ KHAI TỬ
Khoản 2, 3 Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 quy đinh:
“Điều 30. Quyền được khai sinh, khai tử
2. Cá nhân chết phải được khai tử.
3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
Khi có người chết, vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.”
V. QUYỀN ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI(TRONG NƯỚC)
1. Quy định của pháp luật về quyền đăng ký nuôi con nuôi
Nhằm đảm bảo cho trẻ em dưới 16 tuổi, trẻ em từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp do pháp luật quy định hoặc trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ thì người có nhu cầu nhận nuôi có thể đăng ký nhận nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền khi đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định. Cụ thể tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định:
Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
2. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi
Khoản 1 Điều 9, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật Nuôi con nuôi quy định:
Điều 9. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:
1. Đơn xin nhận con nuôi;
2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
3. Phiếu lý lịch tư pháp;
4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
Điều 18. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước
1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:
a) Giấy khai sinh;
b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
2. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.
Điều 19. Nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi
1. Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
2. Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Luyện Thị Huyền, Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải
![]() |