Nhằm gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống nhất là chế tác khèn của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, ngày 26/11/2021, Vụ Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải mở lớp Tập huấn Bảo tồn, truyền nghề truyền thống làm khèn Mông cho già làng, trưởng dòng họ, ngời có uy tín trong cộng đồng dân cư. Dự lớp tập huấn có lãnh đạo Vụ Văn hóa Dân tộc, lãnh đạo sở VHTT&DL tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện và đông đủ học viên được triệu tập.
Lãnh đạo Vụ VHDT, Bộ VHTT&DL phát biểu tại buổi tập huấn.
Tham gia lớp tập huấn có trên 50 học viên là già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các học viên sẽ được các nghệ nhân truyền đạt các kỹ năng cơ bản trong việc chế tác nghề truyền thống như: Làm Khèn, Sáo và một số sản phẩm, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc. Đặc biệt là được nghệ nhân hướng dẫn chi tiết về quy trình, cách thức lựa chọn nguyên vật liệu cơ bản để làm khèn như: gỗ Pơ Mu, cây măng dê, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, thuốc lào hoặc lá cây thuốc lào, tóc rối, vỏ con ve sầu, mỡ lợn, ống tre,... Các dụng cụ để sử dụng chế tác Khèn, gồm: 02 con dao; 02 dùi gọt; khoan máy; khoan tay; bếp lò; dao cắt lam, cạo lam 2 đầu 2 cái; đá mài; đe, búa; dụng cụ đúc đồng….
Lãnh đạo Phòng chuyên môn của Sở VHTT&DL tỉnh phát biểu tại buổi tập huấn.
Cây khèn là nhạc cụ truyền thống được người Mông Mù Cang Chải nói riêng và dân tộc Mông nói chung coi là một trong những nhạc cụ gắn liền với đời sống hàng ngày, ngoài việc sử dụng trong ma chay, cưới hỏi, cây khèn còn là biểu tượng đặc trưng của những chàng trai Mông trên các đỉnh núi cao và được các chàng trai sử dụng nhạc cụ vào những ngày vui xuân, tết đến xuân về với những điệu múa uyển chuyển theo từng nhịp nhạc, thu hút đông đảo người xem. Tuy nhiên cùng với sư phát triển của xã hội, những năm gần đây cây khèn, đặc biệt là việc chế tác loại nhạc cụ này và một số nhạc cụ khác đã dần bị mai một và còn rất ít nghệ nhân nắm được những lý thuyết cơ bản, kỹ thuật chế tác trong việc chế tác khèn. Vì vậy việc mở lớp tập huấn bảo tồn, truyền nghề làm khèn dân tộc Mông cho các thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, góp phần xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, bản sắc, an toàn, thân thiện như nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa bản Sáng Nhù xã Mồ Dề truyền đạt những số kiến thức cơ bản về chế tác khèn cho học viên.
Trước đó Vụ VHDT của bộ VHTT&DL đã phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải mở lớp bồi dưỡng phổ biến kiến thức pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách pháp luật về bảo tồn văn hóa các dân tộc cho cán bộ văn hóa xã và già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn huyện tại xã Púng Luông.
A Lù
CÁC TIN KHÁC