Từ xa xưa, người Mông đã quen với cuộc sống tự cung, tự cấp từ cái ăn đến cái mặc. Một trong những điều đó được thể hiện qua truyền thống vẽ hoa văn bằng sáp ong của người phụ nữ Mông trên vải để may trang phục. Hoa văn của người Mông độc đáo và sinh động, được ví như những trang bí sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên và con người vùng cao đầy sống động.
Để hoàn thiện một tác phẩm vẽ bằng sáp ong phải trải qua rất nhiều công đoạn. Người Mông có câu “đàn ông kiếm mật, đàn bà kiếm sáp”, câu trên có nghĩa là người đàn ông phải có trách nhiệm đi tìm kiếm mật mà loại mật chất lượng nhất là mật ong rừng. Vì người Mông sinh sống ở vùng núi cao nên đường đi lại vất vả, khó khăn bởi thế mà nhiệm vụ này được cho là của người đàn ông trong gia đình.
Chị em tham gia Hội thi dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông
Sau khi vắt xong mật ong, người phụ nữ sẽ tiến hành chế sáp ong, sáp ong màu vàng là sáp non và sáp ong có màu đen là sáp già. Để giữ cho màu chuẩn, mỗi loại sáp trên sẽ được nấu riêng bởi hai nồi khác nhau. Tiếp theo, cho một lượng nước vừa phải rồi bỏ sáp vào đun nhỏ lửa cho tới khi sôi, sáp tan hết thì tắt bếp, tiến hành đổ vào khuân đã chuẩn bị sẵn. Tuỳ thuộc vào sở thích của từng người, có thể là khuôn tròn, vuông đều là những khuân tự tay bà con đóng sẵn bằng tre hoặc gỗ.
Tiếp theo, là chuẩn bị vải để vẽ. Tuỳ vào mục đích sử dụng và sở thích của từng người, chị em phụ nữ Mông có thể chọn vải lanh hoặc vải mộc để tạo hoa văn. Với trang phục để mặc thông thường hằng ngày, chị em sẽ chọn vải mộc, còn trang phục để phục vụ tâm linh thì nhất định phải là vải lanh. Với người Mông, vải lanh có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh, trang phục bằng vải lanh hoàn toàn mới giữ được mối liên hệ với tổ tiên của họ. Vì vậy, vào những ngày lễ trọng đại của dòng họ, người Mông luôn phải dặn con cháu phải mặc trang phục dân tộc mình để ông bà, tổ tiên mới nhận ra con cháu.
Công đoạn tiếp theo là đun sáp để tiến hành vẽ lên vải, lấy một lượng sáp vàng vừa đủ, trộn với một lượng sáp đen tương ứng và đặt lên bếp. Sau khi sáp tan ra thì cũng là lúc chị em tập trung vào điểm tô cho tác phẩm của riêng mình. Trong suốt quá trình vẽ, luôn phải để sáp ong ở nhiệt độ 70-80 độ C, nếu để sáp thấp hơn nhiệt độ trên dễ bị đông gây khó vẽ, hay sáp cao hơn nhiệt độ trên dễ gây cháy vải và ảnh hưởng đến màu của hoa văn. Phụ nữ Mông không biết chữ, không biết viết nhưng lại biết cầm bút, họ cầm bút chính là khi vẽ hoa văn trên vải. Cán bút được làm bằng thanh tre nhỏ, dẹp dài khoảng 8-12cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác nẹp vào thanh tre. Để hoa văn tinh xảo, thanh mảnh và màu đẹp thì bút đóng vai trò vô cùng quan trọng, điều đó phụ thuộc vào nghệ nhân chế tạo bút. Ngòi bút càng mỏng, hoa văn càng đẹp và tinh tế. Khi vẽ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, đều tay, không loang lổ cho tới khi hết sáp. Với bàn tay khéo léo, điêu luyện của người phụ nữ Mông, chúng ta khó có thể nhận ra nét nối bút của họ, bởi chuẩn đến từng li. Hoa văn nổi bật của người Mông thường có hình chữ thập, chữ đinh, ngọn núi, răng cưa, hình tam giác, vuông, tròn... đan xe lẫn lộn nhưng vô cùng logic và có trình tự. Các hoạ tiết vô cùng điêu luyện phản ánh trí tuệ của người phụ nữ Mông.Với sự sáng tạo của mình, đạo cụ hỗ trợ vẽ sáp ong thường là cái cở truyền thống và một tấm ván phẳng, mỏng, nhẵn, hình chữ nhật. Vẽ tới đâu, quấn vải tới đó để giữ hoa văn sạch sẽ. Với chị em phụ nữ Mông Mù Cang Chải thường chọn thời gian để vẽ hoa văn là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm, do mới cấy lúa xong nên bà con có thời gian để chuẩn bị trang phục cho các thành viên trong gia đình.
Ở Mù Cang Chải, các bà các mẹ quan niệm còn biết vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong thì còn nhớ về nguồn cội. Họ không cho phép con cháu bỏ quên lịch sử dân tộc, vì vậy thường dạy con cháu tạo hoa văn bằng sáp ong rất sớm. Từ 12 đến 15 tuổi được coi là khoảng thời gian đẹp nhất để học, với sự nhanh nhẹn, nhất là được đi học các môn nghệ thuật tại trường, thế hệ trẻ học vô cùng nhanh, còn có sự sáng tạo linh hoạt, bổ sung thêm nhiều hoạ tiết độc lạ dựa trên các mô típ cổ xưa.
Sau khi đã hoàn thành vẽ hoa văn trên vải, các bà các mẹ mang vải đi nhuộm chàm hai lần một ngày, lặp đi lặp lại khoảng 2-3 tuần liên tục cho tới lúc vải ngấm chàm. Sau đó đem vải ngâm nước lạnh, đun sẵn một nồi nước sôi rồi bỏ vải vào đảo đều tay cho tới lúc sáp tan hết thì vớt vải ra phơi nắng và sử dụng tuỳ ý. Lúc này đã hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật với nền xanh của màu chàm, các hoạ tiết hoa văn trắng sáng, tinh khôi. Các sản phẩm bằng sáp ong thường được may thành váy, áo, túi, mũ, cặp, yếm địu bé…tuỳ theo sáng tạo của người may.
Sản phẩm tạo ra từ Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải
Quy trình vẽ hoa văn trên vải tưởng như đơn giản nhưng để hoàn thành một tấm váy áo dân tộc truyền thống không hề đơn giản, phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Nghệ thuật trang trí hoa văn của người Mông có giá trị nhân văn, mang tính độc bản không thể giống với bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới. Nghề này được trao truyền từ mẹ sang con, từ thế hệ này qua thể hệ khác, được lưu truyền bởi trí nhớ của những người phụ nữ cổ xưa chưa từng được đến lớp. Mặc dù chưa từng được sổ sách ghi lại công thức nhưng vẫn được duy trì theo dòng chảy lịch sử tồn tại của người Mông. Bởi vậy, mới nói họ xứng đáng là những nghệ nhân văn hóa, những kiến trúc sư không biết chữ tạo nên công trình mang giá trị kinh tế, xã hội, nghệ thuật, lịch sử tạo nên bản sắc văn hoá riêng biệt của dân tộc Mông.
Có thể thấy các hoa văn tạo bằng sáp ong trên vải của người phụ nữ Mông vô cùng phong phú, độc đáo, đan xen uốn lượn, thẳng tắp đôi khi lại ngoằn nghoèo có hình ngọn núi…Các họa tiết góp phần tạo nên bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, đậm đà bản sắc văn hóa. Để bảo tồn, lưu giữ những tri thức dân gian đặc sắc vẽ trên vải của người Mông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023.
Ngày nay, phụ nữ Mông ở Mù Chải vẫn lưu giữ truyền thống tạo hoa văn trên vải. Cùng với tiềm năng phát triển du lịch của huyện, chị em phụ nữ người Mông đã biết tận dụng tay nghề của mình trở thành điểm tham quan trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế. Họ tạo ra nhiều tác phẩm mang tính truyền thống kết hợp hiện đại thông qua nhiều sản phẩm lưu niệm để quảng bá văn hoá độc đáo của người Mông đến thế giới. Với những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, có giá trị tốt đẹp, người phụ nữ Mông không còn là những hoạ sĩ vô danh mà họ xứng đáng là những “chiến sĩ văn hoá” của thời đại.
Giàng Ghênh
Trung tâm Chính trị huyện
CÁC TIN KHÁC