Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - miền đất diệu kỳ của thiên nhiên tạo hóa, giàu truyền thống lịch sử, kho tàng văn hóa dân gian độc đáo và đa dạng, nơi sản sinh và lưu truyền một số di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia. Học theo lời dạy của Bác "mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật, phải chú ý phát huy cốt cách dân tộc", đồng bào dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải không ngừng giữ lửa và truyền lửa, tiếp nối mạch nguồn văn hóa của dân tộc mình.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng các giá trị văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp. Người coi đó là những vốn cũ quý báo của dân tộc, chính vì vậy cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào phát triển những việc có lợi ích cho vật chất và văn hóa của các dân tộc. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - tấm gương tuyệt vời về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021, đồng chí cho rằng: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc". "Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất", văn hóa là những giá trị tinh túy nhất được trưng cất trở thành những giá trị cao đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn và tiến bộ nhất, có vai trò "soi đường cho quốc dân đi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Học theo lời dạy của Bác Hồ và Cố Tổng Bí thư, từ nhiều năm nay, trên huyện vùng cao Mù Cang Chải, người Mông vẫn hàng ngày miệt mài sáng tạo ra các "sản phẩm nghệ thuật" đặc sắc, bảo vệ và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, di sản của người Mông. Có thể kể đến một số tấm gương hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như nghệ nhân Thào Cáng Súa, nghệ nhân Lý Thị Ninh, thờ rèn Giàng A Dìa…
Nghệ nhân Thào Cáng Súa - Người "giữ hồn" Khèn Mông trên võng lúa Sáng Nhù
Men theo con đường núi quanh co vào võng lúa, nhà nghệ nhân Thào Cáng Súa ở tận trên đỉnh núi cao của xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải. Năm nay, ông Súa đã 66 tuổi, nhưng số năm ông nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian Khèn Mông đến nay là tròn 50 năm (1974 - 2024), người nghệ nhân này đã dành cả cuộc đời cho cây Khèn Mông - biểu tượng văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình.
Khèn trong tiếng Mông gọi là “Krềnh”, đã gắn bó với đời sống của người Mông từ khi thôi nôi cho đến khi trở về với đất, từ các nghi thức trong cưới xin, lễ tết, tang ma, đón khách đến các lễ hội dân gian. Khèn vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ đồng thời là nhạc khí linh thiêng trong đời sống tâm linh của người dân bản, giúp kết nối cộng đồng, phản ánh những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, tinh thần lạc quan yêu đời của người Mông.
Như bao chàng trai Mông khác, từ những năm còn 12, 13 tuổi, khi biết cầm cái con dao, cái cuốc để lao động trên nương, ông Súa đã được học thổi khèn, múa khèn từ bố và chế tác khèn từ ông nội mình. Năm 16 tuổi, ông Súa đã biết chế tác cây khèn của người Mông, biết thổi và múa khèn thành thạo, khi trưởng thành ông Súa nắm giữ được rất nhiều các làn điệu dân ca Mông truyền thống như múa khèn vui xuân, tiếng khèn gọi bạn; múa khèn chào mừng các ngày lễ, thổi khèn trong ma chay,... Cây khèn ông Súa làm ra được biết đến là cây khèn đúng kiểu truyền thống nhất, chọn gỗ pơ mu làm thân khèn, chọn vỏ cây đào rừng làm đai khèn, chọn miếng đồng tốt nhất làm "lưỡi gà" cho chiếc khèn Mông tinh hoa bậc nhất, bởi vậy đồng bào Mông từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai cũng tìm đến đây để có thể đặt mua khèn của ông.
Nghệ nhân Thào Cáng Súa trình diễn nghệ thuật dân gian Khèn Mông. Nguồn: ST
Từ đó đến nay, ông Súa cùng với các nghệ nhân của xã Mồ Dề và huyện Mù Cang Chải đã tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; các Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Hội thi Khèn Mông, Festival Khèn Mông, các hoạt động giới thiệu, quảng bá phát triển văn hóa, du lịch hằng năm do huyện, tỉnh tổ chức. Năm 2019, ông Súa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Yên Bái”.
Học theo lời dạy của Bác "mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật, phải chú ý phát huy cốt cách dân tộc", trải qua hơn 50 năm giữ gìn, bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian, bằng những việc làm cụ thể như trực tiếp dạy học thổi khèn, múa khèn thành thạo cho 15 lượt thanh thiếu niên người Mông, tham gia 05 lớp truyền dạy thổi khèn, nghệ thuật trình diễn khèn với hơn 90 học viên do địa phương tổ chức, làm ra trên 60 cây khèn mỗi năm, truyền dạy cách làm khèn cho lớp trẻ… nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa đã "giữ hồn" dân tộc qua cây khèn, tiếng khèn và tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.
Nghệ nhân Lý Thị Ninh - Người đưa Thổ cẩm Mù Cang Chải vươn xa
Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, ngay từ nhỏ chị Lý Thị Ninh (sinh năm 1990), hiện cư trú tại bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha đã được bà, mẹ, chị truyền dạy cho cách se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, tạo hình hoa văn trên vải, thêu thổ cẩm. Năm 10 tuổi, chị Ninh đã thành thạo vẽ từng loại hoa văn, họa tiết cũng như nắm được ý nghĩa của chúng, năm 16 tuổi chị Ninh có thể tự mình hoàn thành tất cả các công đoạn và làm ra sản phẩm. Cũng như nhiều người phụ nữ Mông khác, chị Ninh một ngày 2 buổi lên nương, tối về cơm nước, tranh thủ việc nhà và trong những giờ phút rảnh rang, ngồi se lanh, dệt vải, thêu váy áo, trang phục cho người thân trong gia đình. Cuộc sống thường nhật không có gì ngoài hạt lúa, bắp ngô, chị Ninh luôn mong muốn có thể tìm một cách nào khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình, và rồi cơ hội đã đến với chị Ninh và nhiều chị em phụ nữ khác trong địa phương.
Cuối năm 2009, với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, biến di sản thành tài sản, tạo thêm sinh kế cho bà con nhân dân, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải được chỉ đạo thành lập, dưới sự hỗ trợ của Công ty Craflink Hà Nội (Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ). Là người thông thạo và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong, chị Ninh được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác, khi đó chị mới 19 tuổi. Những ngày đầu với chị Ninh không hề dễ dàng, để duy trì công việc và thu nhập thường xuyên cho chị em trong Tổ, ngoài Công ty Craft Link, chị Ninh đã lăn lộn các nơi từ chợ Sa Pa, Hà Giang, Yên Bái để bày bán, giới thiệu sản phẩm của mình, kết hợp gửi vỏ gối, túi, ví, khăn trải bàn, ba lô, con vật, móc treo chìa khóa, dây buộc tóc, túi đeo… thông qua một số chị em bán thổ cẩm nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường. Đồng thời, chị Ninh cũng quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu nhu cầu của thị trường để làm ra những sản phẩm phù hợp với thẩm mỹ, thị hiếu của người tiêu dùng.
Theo thời gian, nhóm thổ cẩm do chị Ninh làm tổ trưởng ngày càng lớn mạnh, phát triển, từ "Nhóm dân tộc Mông” ban đầu với 33 thành viên dần trở thành "Tổ sản xuất thổ cẩm”, rồi "Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông” như hiện nay. Năm 2020, Tổ hợp tác do chị Ninh làm tổ trưởng là một trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và trao giải tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công". Với số tiền thưởng 200 triệu đồng, chị Ninh đã mua 1 máy ép li váy, 5 máy may công nghiệp, 3 máy khâu thủ công cho trụ sở riêng của Tổ tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha.
Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông. Nguồn: ST
Trải qua những ngày đầu khó khăn, đến nay, sản phẩm của Tổ hợp tác có thị trường rộng khắp, trong nước có Lào Cai, Hà Giang, ngoài nước có Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác có từ 16 - 18 đơn hàng thu về từ 400 đến 550 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, chị em có thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng/1 người, con số này chưa phải là lớn nhưng cũng không hề nhỏ với những người phụ nữ Mông nơi đây, giúp họ tăng thêm thu nhập, trang trải cho gia đình.
Năm 2023, chị Lý Thị Ninh được UBND tỉnh Yên Bái trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ở loại hình tri thức dân gian. Học theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "không tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội", chị Ninh là tấm gương điển hình khi biết khai thác các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn và gìn giữ di sản, vừa đưa di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ông Thào A Dìa - Người “giữ lửa” rèn trên bản Háng Á
Nghề rèn của người Mông đã có từ rất lâu đời, họ có phong tục, tập quán sinh sống trên những rẻo cao hay ở lưng chừng sườn núi theo hướng tự cung tự cấp, nên để canh tác, sản xuất trên địa hình khó khăn này cần những nông cụ sắc bén như con dao, cái cuốc, xẻng... vì vậy, người Mông đã tự học rèn và lưu truyền nghề rèn từ nhiều đời nay để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều máy móc hiện đại, vật dụng, nông cụ rẻ, đẹp ra đời, phổ biến trên thị trường dần thay thế cho sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy nhiên, nghề rèn vẫn được người Mông lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác, cốt là để giữ bản sắc của dân tộc mình, hai là những sản phẩm rèn thủ công bằng tay của người Mông luôn được đồng bào, du khách trong và ngoài nước ưa chuộng bởi độ bền, độ tinh xảo cao.
Ông Thào A Dì rèn dao thủ công. Nguồn: A Lù
Ông Thào A Dìa bản Háng Á, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải là thợ rèn có tiếng về rèn dao và làm các nông cụ phục vụ lao động sản xuất được người dân địa phương tin tưởng, du khách gần xa yêu thích. Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung đập, nhúng nước, rồi tiếp tục nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc rồi làm chuôi cầm… bởi vậy những sản phẩm thủ công do ông Dình tạo ra đều rất sắc và có độ bền. Các sản phẩm ông làm thường xuyên được bày bán tại phiên chợ của huyện và các vùng lân cận với giá bán từ 250.000 - 450.000 đồng/con, giúp đem về thu nhập cho gia đình 180 đến 200 triệu đồng/năm.
Theo nghề rèn từ năm 20 tuổi, đến nay ông đã ở tuổi 67, hơn 40 năm hành nghề, gần nửa quãng đời gắn bó với nghề rèn, ông Dìa không nhớ mình đã tự tay rèn bao nhiêu con dao, chỉ biết tiếng đập búa, mùi than lửa đã ngấm sâu vào tiềm thức, hun đúc niềm đam mê để ông tạo nên những sản phẩm thủ công chất lượng, giúp ông sống được với nghề và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Giờ đây, dù đã ở cái tuổi xế chiều, ông Dìa vẫn miệt mài chế tác những con dao để phục vụ cho đồng bào và du khách.
Với mong muốn nghề truyền thống rèn dao của người Mông không bị mai một, ông Dìa đã tích cực truyền lại nghề cho con trai út với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình là anh Thào A Sình bản Háng Á, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Trước đây cuộc sống gia đình anh còn thiếu thốn và khó khăn, nhưng từ ngày học được nghề rèn dao từ bố mình, anh đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhận ra rằng, nghề rèn vừa là truyền thống văn hóa dân tộc cũng vừa tạo thêm sinh kế, anh Sình xác định cần phải gìn giữ, phát huy tốt nghề rèn của gia đình và sẽ truyền lại cho các thế hệ trẻ sau.
Có thể thấy, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp". Thông qua những hành động nhỏ, những câu chuyện về đời thường, mỗi dân tộc dù nam nữ, già trẻ, gái trai nhưng dù là ai đều có thể là một điển hình trong học tập và làm theo Bác. "Một tấm gương sáng còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền", ông Thào Cáng Súa, chị Lý Thị Ninh, ông Thào A Dìa… và còn rất nhiều điển hình khác đều là những tấm gương sáng về học theo Bác để đồng bào dân tộc Mông nói riêng và dân tộc các nhân dân huyện Mù Cang Chải noi theo.
Đối với huyện Mù Cang Chải với gần 90% là dân tộc Mông và nền văn hóa mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Mông, học theo lời dạy của Bác "văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc, không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà", với những tiềm năng và thế mạnh đang có, huyện Mù Cang Chải luôn xác định việc phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm là phát triển ngành du lịch phải gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ và vừa là giải pháp tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững, tiến tới xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - Là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Thanh Hằng
Ban Tuyên giáo Huyện ủy
CÁC TIN KHÁC