• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái
 

Thư viện hình ảnh

Lượt truy cập

Nậm Khắt phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo nhờ biết tận dụng lợi thế địa phương.

Ngày xuất bản: 29/07/2024 11:12:00 SA
Lượt đọc: 335

 Thực hiện công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát huy nội lực để phát triển kinh tế xã hội. Xã Nậm Khắt đã quan tâm chỉ đạo, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích đất canh tác, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông qua nhiều hình thức như: Đưa cây con giống mới vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tạo nguồn thu nhập để người dân xóa đói giảm nghèo bền vững, từ đó đồng hành cùng địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và về đích nông thôn mới đúng thời gian.

 

Ông Thào A Phềnh thăm mô hình nấm dược liệu, nắm ăn của Công ty TNHH nấm ăn, nấm dược liệu xã Nậm Khắt.

 Nằm ở phía Tây của huyện Mù Cang Chải, xã Nậm Khắt có địa hình khá đa dạng bao gồm những khu vực đất cao, đồi núi và đặc biệt là những cánh đồng bậc thang. Nhờ địa hình đa dạng này, xã Nậm Khắt có rất nhiều loại đất, phù hợp cho phát triển nông nghiệp. Thêm vào đó, xã Nậm Khắt có khí hậu ôn đới, mùa đông lạnh, mùa hạ ẩm. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là thời gian mưa nhiều, chỉ số lượng mưa trung bình khoảng 2.500-3.000 mm/năm. Điều kiện thổ nhưỡng của Nậm Khắt khá thuận lợi, phù hợp với việc trồng trọt và chăn nuôi. Xác định những lợi thế riêng có, địa phương đã tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế. Đến nay xã đã xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi khai thác lợi thế này như trồng nấm hương, rau, ớt, cà chua, hoa hồng, hồng giòn, nuôi lợn rừng hay cá hồi, cá tầm…. Góp phần nâng thu nhập bình quân cho người dân đạt khoảng 42 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 12,47% và phấn đấu cuối năm 2024 xã Nậm Khắt về đích nông thôn mới. "Từ năm 2020 đến nay xã Nậm Khắt đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty, hộ dân phát triển kinh tế trên địa bàn. Hiện nay trên địa bàn có các công ty, hợp tác xã như nấm ăn, nấm dược liệu, ớt, cà chua, rau… đều áp dụng công nghệ sạch, nuôi trồng trong nhà kính, từ đó thu hút và tọa công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ngoài ra cũng vận động Nhân dân phát triển các mô hình trồng cây ăn quả như: Trồng hồng giòn, lê hay phát triển các  mô hình chăn nuôi truyền thống theo hình thức khép kím để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật từ đó cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng" anh Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết.

 

Anh Hờ A Sử chăm sóc cá hồi, cá tầm của gia đình.

 Tận dụng lợi thế nguồn nước, khí hậu, thời tiết, năm 2021 anh Hờ A Sử bản Làng Sang và một số thành viên trong gia đình đã xây dựng mô hình nuôi cá hồi, cá tầm. Nhóm hộ nuôi cá đã đầu tư trên 400 triệu đồng để san tạo mặt bằng xây ao nuôi. Đồng thời mua 4.000 con cá hồi về nuôi thử nghiệm. Sau gần một năm nuôi, do hợp với nguồn nước và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá nước lạnh lên trại cá của gia đình anh Sử đã xuất bán ra thị trường được trên 2 tấn cá với số tiền trên 500 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Kết quả bước đầu này đã mở ra triển vọng cho việc phát triển cá nước lạnh tại địa phương. "Năm 2023, tôi đã nuôi cá thành công và bán ra thị trường trên 4 tấn được trên 400 triệu, trừ các chi phí vẫn thu về trên 100 triệu cho gia đình vào tạo thêm nguồn thu cho gia đình, từ hiệu quả đó năm nay tôi đã đầu tư nuôi thêm cả cá hồi và cá tầm để có thêm nguồn thu và phát triển mô hình trong tương lai” anh Hờ A Sử - Bản Làng Sang, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải tâm sự.

 

Ông Hoàng Văn Nối - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu xã Nậm Khắt kiểm tra bịch phôi nấm.

 Tận dụng điều kiện tự nhiên của xã Nậm Khắt nằm trên độ cao 1.400m so với mực nước biển, với nhiệt độ trung bình 17 - 18 0c, cuối năm 2022 Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đã xây dựng trại nuôi trồng nấm. Đến nay trại nấm có quy mô gần chục nghìn m2 cung ứng ra thị trường trên 200 tấn nấm hương thương phẩm mỗi năm. Công ty với những nhân lực chủ chốt là người dân ở địa phương đã được tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng, chăm sóc nấm hương. Theo đó, nấm hương là loại nấm không hề dễ trồng, yêu cầu điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cho đến môi trường sống phải đạt điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian bắt đầu đóng bịch phôi cho đến khi hết thời gian thu hoạch của 01 bịch nấm dao động từ 7 đến 7,5 tháng, trong đó có khoảng 2,5 tháng là thu hoạch nấm. Hiện nay Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải duy trì khoảng 50 nghìn bịch phôi nấm/năm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản lượng đạt khoảng 4 lạng/bịch phôi. Không chỉ mang về nguồn thu nhập cao cho các thành viên mà còn tạo công ăn việc làm cho từ 15 đến 20 lao động, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm cho nhiều hộ dân tại địa phương. "Qua khảo sát thì thấy địa bàn xã Nậm Khắt có điều kiện thiên nhiên ưu ái và bà con rất ủng hộ cho việc trồng nấm và bản thân cũng muốn tạo ra thương hiệu nấm riêng cho địa bàn huyện Mù Cang Chải, nên chúng tôi đã lựa chọn trồng và phát triển nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn xã Nậm Khắt" anh Hoàng Văn Nối - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải chia sẻ.

Khí hậu ôn hòa, mát mẻ, khu vực đồi núi lại có độ dốc cao trên 1000 mét, là những điều kiện thích hợp để cây sơn tra phát triển. Để nâng cao giá trị cho loài cây này, người dân xã Nậm Khắt không chỉ duy trì cây sơn tra rừng tự nhiên mà còn mở rộng diện tích trồng sơn tra bằng phương pháp ghép cành, tại các địa hình thích hợp như xen canh trên đất trồng ngô, đất trống ở những khu vực dốc cao… Đồng thời hướng dẫn người dân chăm sóc, bón phân để tăng sản lượng. "Nhà mình có hơn 01 ha cây sơn tra đang cho quả. Mấy năm nay cây cũng sai quả, có năm được giá cũng có năm giá không cao nhưng cây nhiều quả nên bán cũng có tiền. Cây này không phải chăm sóc nhiều, chỉ bón phân một vài lần thôi, thu hoạch quả thì mang xuống chợ bán hoặc bán cho người chủ họ mua mang xuống thành phố". Bà Thào Thị Chảo - Bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cho biết.

 

Ông Thào A Phềnh và Hội Liên hiệp các nhà khoa học tỉnh thăm diện tích táo của gia đình bà Thào Thị Chảo bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt.

 Đến nay xã Nậm Khắt đã hình thành đa dạng các loại hình phát triển nông nghiệp từ trồng trọt đến chăn nuôi, dựa trên những tiềm năng đất, nước, khí hậu riêng của địa phương. Đặc biệt bên cạnh những cây trồng bản địa, địa phương cũng mạnh dạn đưa những giống cây mới phù hợp với thế mạnh vào sản xuất. Hiện toàn xã Nậm Khắt có 82 ha trồng hoa hồng, 11ha trồng nấm, 2 ha nuôi cá hồi, 4 ha trồng rau và hơn 30 ha hồng giòn. Trên địa bàn xã hiện có 01 công ty, 2 hợp tác xã, 58 tổ hợp tác xã và một số hộ kinh doanh homestay, nuôi cá hồi phát triển mạnh. Từ đó thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân và các ngành kinh tế khác đi lên. Đồng thời mang kiến thức để chuyển giao đến các tầng lớp Nhân dân. Đây là tiền đề để xã Nậm Khắt phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn và về đích nông thôn mới trong cuối năm 2024 này.

A Lù

Bản đồ huyện Mù Cang Chải

Thư viện Video

chương trình phát thanh 07.9.2024

chương trình phát thanh 06.9.2024

chương trình phát thanh 05.9.2024