Với tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, chàng thanh niên dân tộc Mông, Mùa A Mạnh, Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực vượt khó, mạnh dạn khởi nghiệp từ mô hình trồng lê ngay trên mảnh đất quê hương. Gia đình anh trở thành một trong những hộ có diện tích, sản lượng và chất lượng quả lê cao nhất ở địa phương.
Anh Mùa A Mạnh đang lựa chọn những quả lê chín cho khách hàng.
Nhẹ nhàng hái từng quả lê để kịp xuất bán cho thương lái ngay trong ngày, anh Mùa A Mạnh bản Nả Háng Tùa Chử vui mừng vì năm nay thời tiết thuận lợi, cây lê ra sai quả, giá bán cho thương lái ổn định từ 25 nghìn đồng/kg trở lên. Với 4ha lê, trong đó có hơn 2ha đang cho thu hoạch, dự kiến vụ lê năm nay cũng mang về cho gia đình anh Mạnh thu nhập vài chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.
Nhớ lại diện tích đồi hiện đang trồng lê, anh Mạnh cho biết: cây lê được anh đưa về trồng cách đây gần chục năm khi đó người dân trong bản còn đang gắn bó với cây ngô và chè trung du, bởi vậy tâm lý của người dân khi đó rất nghi ngờ về khả năng mang lại kinh tế từ loài cây này. Nhất là vài năm đầu là giai đoạn cây lê phát triển rễ, cành nên chưa cho quả. Với bản tính cần cù, kiên trì và nhìn ra hiệu quả của loại cây này, anh Mạnh đã duy trì trồng và chăm sóc cây lê. Thậm chí sau 4 -5 năm đầu, khi cây bắt đầu nở hoa, kết trái, anh Mạnh còn chủ động nhân rộng dần diện tích từ 1ha lên 2ha rồi 3 đến 4ha như hiện nay. "Gia đình đã trồng được hơn chục năm nay và đang có 4ha lê trong đó 2ha đã cho thu hoạch, cây lê rất phù hợp với khí hậu địa phương và cho năng suất cao, giá thành cũng ổn định nên đã tạo thu nhập cho gia đình nhiều hơn sơ với các cây trồng trước đây". Anh Mùa A Mạnh - Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải tâm sự.
Vợ chồng anh Mạnh đang tập trung thu hái lê để bán ra thị trường.
Lê là giống cây ôn đới, có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, dễ dàng thích ứng với nhiều loại đất khác nhau. Hơn nữa là giống cây ăn quả lâu năm, trồng một lần cho chu kỳ thu hoạch từ 20 - 30 năm, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc. Để cây lê phát triển tốt và cho ra quả, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc không hề dễ. Trong khi đó anh Mạnh lại không có nhiều kiến thức về giống cây ăn quả này. Tận dụng lợi thế của tuổi trẻ, cập nhật với công nghệ anh Mạnh đã chủ động tìm hiểu về kỹ thuật từ khi trồng, bón phân, phát hiện sâu bệnh hại đến thu hái quả, từ đó áp dụng vào sản xuất. Thông qua các kênh thông tin chính là các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do địa phương tổ chức và nguồn video trên internet: "Trong quá trình trồng lê bản thân tôi đã được tham gia các lớp tập huấn và áp dụng trực tiếp vào công tác chăm sóc để đảm bảo cho cây lê sinh trưởng và phát triển tốt từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sat, chan bón và giúp phát triển cây lê như mong muốn". Anh Mùa A Mạnh - Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Những cành lê trĩu quả của nhà anh Mạnh.
Giống lê mà anh Mạnh lựa chọn là lê xanh và giống lê Tai Nung được thị trường ưu chuộng. Hai giống lê này, mỗi loại đều có những ưu điểm nổi bật. Nếu như lê xanh quả có sức chống chịu thời tiết tốt, cây khỏe thì lê Tai Nung lại cho chất lượng cao hơn quả to, ngọt hơn. Quá trình trồng lê, anh Mạnh tích lũy nhiều kinh nghiệm như để cây lê tăng khả năng đậu quả cao thì thời điểm cây ra hoa vào khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm. Anh kết hợp với các hộ nuôi ong tại địa phương, di chuyển đàn ong đến vườn lê để ong thụ phấn cho cây. "Cây lê tháng 2 bắt đầu nở hoa đâm trồi và trong quá trình nở hoa gia đình đã bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây, cùng với đó nhờ các hộ nuôi ong mang ong đến nuôi tại vường lê để giúp thụ phấn cho cây lê, từ đó sẽ giúp cây lê cho ra trái thuận lợi hơn". Anh Mùa A mạnh - Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết thêm.
Vườn lê nhà anh Mạnh được đánh giá là sai quả, quả to, mọng nước và có vị ngọt mát. Sở dĩ có được điều đó là do anh Mạnh lựa chọn trồng lê ở những diện tích đất đồi cao, nơi đón ánh nắng trực tiếp cho cây, điều này tạo thuận lợi cho cây lê trong giai đoạn phát triển quả nhất là giai đoạn quả tạo ngọt. "Để trồng lê ngon thì gia đình tôi đã lựa chọn các vị trí cao, để cây lê, quả lê được đón nắng nhiều nhất để cho quả bóng, từ đó lê ngọt hơn và đẹp hơn". Anh Mùa A Mạnh Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết thêm.
Diện tích lớn, sản lượng cao, song cái khó trong thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm là bất lợi về địa hình. Lê được trồng sâu trong bản, trên địa hình đồi cao nên việc thu hoạch đòi hỏi gia đình anh Mạnh phải cẩn thận. Khó nhất là khi lê chín rộ trong khoảng 3- 4 tuần, quả để lâu trên cây sẽ dễ bị hỏng. Để tiếp cận thị trường, anh Mạnh chú trọng đến giới thiệu trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó thương lái và lượng khách hàng lẻ đặt hàng trực tiếp cũng biết đến nhiều hơn. "Để quảng bá sản phẩm lê ra thị trường gia đình đã tận dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền và quảng từ đó bán hàng và tùy vào từng vị trí khách mà síp hoặc chuyển qua xe khách cho khách hàng" Anh Mùa A Mạnh Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Những quả lê mọng, ngọt của gia đình anh Mạnh.
Từ mô hình trồng lê có hiệu quả của gia đình, anh Mạnh đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trên địa bàn xã để về áp dụng tại gia đình. Từ đó đã có nhiều hộ dân chuyển các diện tích cây ngô, lúa nương kém năng suất sang trồng lê. Đến nay toàn xã Púng Luông đã có trên 60 ha lê trong đó có 1 nửa là đang cho thu hoạch, qua đó góp phần giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất vươn lên thoát nghèo ở địa phương. "Đối với mô hình lê của anh Mạnh thì đây là mô hình rất hiệu quả và cũng từ mô hình này đã có nhiều hộ dân đến học tập và dám chuyển đổi các diện tích sang trồng Lê, từ đó tạo điều kiện cho người dân xóa đói giảm nghèo tốt hơn so với trước. Thời gian tới, cấp ủy chính quyền xã tiếp tục vận động gia đình và các hộ dân nhân rộng mô hình lê để trở thành hướng đi phát triển kinh tế mới". Anh Giàng A Lềnh - Phó Chủ tịch UBND xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đánh giá thêm.
Bằng sự sáng tạo và khát khao lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương, người thanh niên dân tộc Mông Mùa A Mạnh, đã có những bước đi vững chắc trong việc lựa chọn cây trồng chủ lực để phát triển. Mảnh đất tưởng chừng như chỉ quen với cây ngô, cây chè nay đã trở thành nơi bén rễ cho vị ngọt cây từ lê. Mô hình phát triển kinh tế từ cây lê của gia đình anh Mạnh đã mở ra sự lựa chọn mới cho người dân, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại địa phương./
A Lù
CÁC TIN KHÁC