• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái
 

Thư viện hình ảnh

Lượt truy cập

Lễ Tu Su (Dù Tầu) Nghi lễ mang đậm bản sắc của người Mông Mù Cang Chải.

Ngày xuất bản: 19/08/2024 2:19:00 CH
Lượt đọc: 800

 Tu Su, hay Dù Tầu là nghi lễ truyền thống của nhiều dòng họ người Mông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được tổ chức hàng năm, đây là nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng dòng họ. Lễ Tu su, hay còn gọi là Dù tầu thường được các dòng họ tổ chức vào tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch hàng năm, đây cũng là nghi lễ cầu bình an cho một năm mưa thuận gió hòa trong mỗi dòng họ.

 

Anh em trong dòng họ buộc bó lau vào cây Đơn châu chấu chuẩn bị cho lễ chính.

 Lễ tu su (dù tầu) là phong tục được truyền lại từ bao đời nay, là nghi lễ xua đuổi cái xấu, cái gở, sự đổ máu đi để người người, nhà nhà trong dòng họ thuận lợi trong việc làm ăn hay sử dụng các công cụ lao động không bị hỏng… Theo tích kể lại, trước đây khi người Mông khai hoang ruộng nương, vườn tược hoặc chị em phụ nữ sau sinh thường xuất hiện tình trạng băng huyết không khống chế, nên đã tổ chức lễ tu su này để xua bà su tờ, su san đi (tức là những cái xấu liên quan đến máu và lửa đi về nơi tận cùng của trời đất). Từ đó người Mông không còn gặp cản trở từ những cái xấu, cái gở hay bị thương nặng và yên tâm làm ăn phát triển tại các vùng đất. "Tu Su là phong tục truyền thống được các thế hệ cha ông để lại từ nhiều đời nay nên chúng tôi cũng sẽ tiếp tục truyền dậy cho con cháu và cứ đến dịp tháng 7 hàng năm có thể là ngày 17 hoặc 27 trong tháng, dòng họ nhà tôi dù ở xã nào hay bản nào lại chuẩn bị các điều kiện để làm lễ tu su với mong muốn con cháu thuận hòa, dòng tộc đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, làm ăn phát đạt, bình an trên mọi nẻo đường, không bệnh tật, không ốm đau…."  anh Sùng Tồng Chư ở xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải cho biết.

 

Chủ lễ đang làm lễ trong nhà với chủ hộ và anh em trong họ.

 Đối với lễ tu su (dù tầu) của họ Sùng bản Háng Cháng Lừ xã Khao Mang cũng giống như các dòng họ khác trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Để chuẩn bị lễ Tu Su, gia đình phải đăng ký từ năm trước và chuẩn bị thực phẩm cùng một số vật dụng liên quan để sử dụng trong lễ chính. Trong lễ tu su thì cứ 3 năm 1 lần cả họ phải mời thầy cúng về làm cúng chuẩn bị cho phần lễ hôm sau. Lễ cúng phải có đầy đủ chủ nhà của các hộ trong dòng họ và có sự đóng góp cho gia chủ như gà hoặc tiền mặt... ông Sùng A Mảng, bản Háng Cháng Lừ xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải cho biết thêm "Đối với người Mông thì mỗi năm chỉ làm 1 lần lễ tu su này và mỗi lần làm phải có 2 cở ngô, cùng 1 số đồ dùng thực phẩm thường dùng hàng ngày khác… và làm lễ với mong muốn cả họ được bình an trong 1 năm, ngoài ra cứ đến năm thứ 3 thì phải mời thầy cúng về làm cúng cho cả họ từ ngày hôm trước và hôm sau mới là lễ tu su chính thức. gia đình phải chuẩn bị 1 con lợn vừa để làm lễ cũng vừa để cả họ ăn chung 1 bữa cơm để thể hiện tinh thần đoàn kết và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với nhau".

 

Đoàn người đi theo chủ lễ ra sau nhà để tiếp tục làm lễ.

 Vào ngày lễ chính, mỗi hộ trong dòng họ phải chuẩn bị 3 cây lau và 3 sợ chỉ màu cùng các mảnh vải được xé từ quần hoặc áo của các thành viên trong gia đình buộc lại vào 3 cây lau từ rất sớm. Sau đó mời người trong gia đình đứng ở giữa nhà, cùng các vật dụng hàng ngày như; Dao, Cuốc, xẻng… chủ nhà sẽ dùng 3 cây lau quét từ gian giữa cho đến hết các gian của ngôi nhà. Khi quét, chủ nhà phải xin phép thổ công, thổ địa và tổ tiên rằng "Hôm nay ngày đẹp tháng tốt, tôi không quét tiền tài, vật nuôi, tình cảm anh em, vợ chồng, con cái. Tôi chỉ quét vận xui, vận hạn, quét đi nỗi đau, bệnh tật, quét đi cái xấu, cái dở, cái không may mắn, về nơi mặt trời lặng, về nơi cuối nguồn con sông, con suối". 

Chủ lễ đi quanh đoàn người để xua đuổi cái xấu đi về phía mặt trời lặn.

 Khi đến dự lễ, các chủ hộ đều mang theo cây lau tượng trưng cho những điều không may mắn của gia đình, để buộc chung với cả họ thành bó và được buộc vào cây đơn châu chấu mà người Mông gọi là "cây Giàng" chủ lễ đem cây đơn chấu chấu vào nhà để làm lễ. Bước vào làm lễ trong gia đình, chủ lễ sẽ ngồi gian giữa nhà, trên vai vác cây đơn châu chấu cây "Giàng" đã được buộc bó lau của cả họ và tay cầm cái sàng, trong sàng là các hạt ngô có màu đỏ, màu trắng lẫn lộn. Chủ lễ vừa đọc thần chú, tay vừa đảo hạt ngô, nội dung câu thần chú chủ yếu là thách thức bà Su xuất hiện để đuổi bà Su đi mãi theo phương mặt trời lặn. Để bà Su không làm phiền đến cuộc sống của gia chủ, để gia chủ luôn gặp may mắn, ngô, gạo đầy nhà và không ai bị bệnh tật, cái xấu, cái dở theo bà Su đi. "Đối với lễ tu su của dòng họ chúng tôi, khi làm lễ trong nhà là chỉ để đuổi bà su dành cho chủ hộ và những người trong gia đình. Khi ra đằng sau nhà cả họ đứng quay quần bên nhau lúc này chủ lễ mới là làm cho cả họ, để cả họ được bình an trong 1 năm. Và sau mỗi lễ tu su những người trong họ phải kiêng 3 ngày không được sử dụng các vật dụng, đồ dùng sắc nhọn….Ông Sùng Mò Trừ ở bản Cung 11 xã Mồ Dề huyện Mù Cang Chải tâm sự.
 Sau phần lễ trong nhà kết thúc mọi người trong dòng họ sẽ đi theo chủ lễ ra đằng sau nhà cùng đứng thành nhóm. Thầy cúng bắt đầu đọc thần chú mắng chửi bà Su, cùng với đó là kéo cuộn chỉ đã được nối do các hộ trong dòng họ mang đến, mỗi sợi có màu sắc khác nhau tượng trưng cho đàn ông, phụ nữ, con cháu trong dòng họ. Cuộn chỉ được quấn quanh nhóm người có ý nghĩa bảo vệ họ khỏi những điều không may mắn và sự gắn kết giữa cộng đồng, dòng họ. Thầy cúng vừa đi quanh nhóm người, vừa đọc thần chú và tùy vào từng dòng họ mà có thể đi từ 3 vòng, 6 vòng, 9 vòng quanh nhóm người. Lúc này câu thần chú nhằm đuổi bà Su mang theo những cái xấu, cái dở, bệnh tật của cả họ đi về hướng mặt trời lặn. Xong các vòng, chủ lễ sẽ dùng dao chặt đứt bó lau được buộc vào cây đơn châu chấu. Với ý nghĩa những điều không hay, cái xấu, cái dở trong thời gian qua đã được loại bỏ, năm mới sẽ bắt đầu với những điều tốt lành. Đồng thời lúc này người dùng nỏ sẽ bắn mũi tên có buộc vải đỏ đầu mũi tên theo hướng mặt trời lặng để thể hiện sự thành công của buổi lễ. 
"Đối với việc sử dụng cây nỏ trong lễ tu su, là bởi cây nỏ luôn gắn liền với đời sống của người Mông, người Mông coi cây nỏ là vật dụng giúp xua đuổi đi cái xấu, cái ác, tà ma…. Nhất là khi bắn mũi tên có buộc vải đỏ thể hiện rằng mọi cái không may mắn đều theo mũi tên bay về phía mặt trời lặn, nên trong lễ tu su cây nỏ là thứ không thể thiếu và như họ Sùng này thì phải là người khác họ mới được bắn nỏ trong lễ tu su". Ông Giàng Xấu Mùa ở bản Háng Cháng Lừ xã Khao Mang Huyện Mù Cang Chải chia sẻ.

 

Người bắn nỏ chuẩn bị nỏ và tên để bắn khi kết thúc lễ.

 Kết thúc lễ, chủ lễ sẽ đặt con dao phát cùng cây đơn châu chấu "cây Giàng" được buộc bó lau vừa bị cắt xuống đất, lưỡi dao hướng lên trời, người cầm nỏ đứng đối diện với chủ lễ và giơ cây nỏ lên, rồi lần lượt từng người trong dòng họ bước qua để vào nhà, lúc này những người mang 2 cở ngô sẽ đi trước tiên.

 Khi mọi người đi hết cũng là lúc bình minh đang lên, cả họ sẽ cử từ 2 - 3 người mang cây đơn châu chấu được buộc bó lau và hú đất làm cúng từ tối hôm trước đi giấu và bắt buộc phải giấu phía mặt trời lặn. 

 

Kết thúc lễ anh em trong dòng họ quay về nhà gia chủ.

 Kết thúc lễ là bữa cơm đoàn viên của cả họ. Lúc này những câu chuyện của ngày hôm qua và những gì không may mắn đã xảy ra đều không được ai nhắc đến. Họ tự hiểu ngầm với nhau rằng đó là chuyện của quá khứ và những điều không tốt đẹp đã được mang đi theo ánh mặt trời lặn. Mọi người ngồi quây quần bên nhau cùng nói về tương lai với những dự định để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Lúc này, cả dòng họ lại cùng lựa chọn, bàn giao xem năm sau sẽ đến gia đình nào tổ chức lễ Tu su. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo trong bữa cơm đoàn viên này. Qua lễ tu su cũng là dịp để con cháu có cơ hội lưu giữ phong tục mang đậm bản sắc này cho các thế hệ mai sau. "Đối với người Mông nói chung và họ Sùng chúng tôi nói riêng thì lễ tu su hết sức quan trọng nên hàng năm đến thời điểm này các hộ đều tập trung tham gia lễ với mong muốn cầu bình an và bản thân tôi là thế hệ trẻ sẽ tiếp tục tham gia gìn giữ và truyền đạt lại cho thế hệ mai sau để nát văn hóa này luôn được gìn giữ". anh Sùng A Ninh ở bản Cung 11 xã Mồ Dề huyện Mù Cang Chải tâm sự.

Lễ Tu su của dân tộc Mông là nghi lễ có tính tâm linh mang ý nghĩa tốt đẹp của một cộng đồng, tộc người. Đây là nhu cầu tâm linh của người dân trong một dòng họ trước vòng quay tuần hoàn của thiên nhiên, là niềm tin sâu đậm của con người trước những bí ẩn của thiên nhiên với mong muốn được giải hạn và cầu sự may mắn cho từng cá nhân trong gia đình, dòng họ. Buổi lễ là dịp tập trung, củng cố mối quan hệ cộng đồng trong dòng họ, là thông điệp chung gửi tới tổ tiên, thần linh cầu mong sự may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho gia đình, dòng họ sức khỏe dồi dào để lao động, tăng gia sản xuất và tăng cường sự đoàn kết của mỗi cá nhân, gia đình trong dòng họ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Đối với cộng động người Mông Mù Cang Chải ngoài lễ tu tu của một số dòng họ thì còn một dòng họ khác sẽ tổ chức lễ sâu khấu vào dịp cuối năm cả hai lễ này đều mang ý nghĩa giống nhau.

 

A Lù

CÁC TIN KHÁC

  • UBND huyện Mù Cang Chải sơ kết công tác chuyển đổi số 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm 3 tháng cuối năm 2024
  • MCC khai mac giải thể thào chào mừng 69 năm Ngày thành huyện, 94 năm Ngày thành lập Hội LHPNVN, 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam
  • Dế Xu Phình tổ chức chiến dịch truyền thông xóa bỏ dịnh kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng
  • Ngày hội truyền thông kiến thức chăm sóc sức sinh sản cho thanh thiếu niên tại trường THCS – THPT xã Púng Luông
  • Công an tỉnh Yên Bái bế mạc lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho lực lượng tham gia BVANTTCS năm 2024.
  • Các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu Yên Bái và các huyện Mường La, Bắc Yên Sơn La đa tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện biên bản ghi nhớ liên kết về phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc
  • Mù Cang Chải dự hội nghị trực tuyến tập huấn cải cách hành chính
  • UBND huyện tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện năm 2024
  • Ban Chỉ đạo 138 huyện tổ chức hội nghị phát động phong trào thi đua đặc biệt trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cở
  • Nậm Khắt thực hiện 6 chữ “dân” trong xây dựng nông thôn mới
  • 111-120 of 4445<  ...  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  ...  >

    Bản đồ huyện Mù Cang Chải

    Thư viện Video

    chương trình phát thanh 9.12.2024

    chương trình phát thanh chiều 07.12.2024

    chương trình sáng 07.12.2024