I. Nhiệm vụ đặc biệt được giao trong mùa mưa
Tháng Sáu ở Mù Cang Chải - khi đất trời Tây Bắc chuyển mình từ những ngày xuân sang hạ, không còn là những ruộng bậc thang khô cằn của mùa đông lạnh giá, mà đã trở thành một bức tranh tươi mới, rực rỡ sắc màu, sống động với vạn vật sinh sôi. Những đám mây trắng mềm mại trôi lơ lửng trên cao như những dải lụa lơ đãng, đung đưa trước gió. Ánh mặt trời, dù đã bắt đầu gay gắt hơn, nhưng ở vùng cao Mù Cang Chải, nó không quá nóng bức như miền xuôi. Đây cũng là thời điểm những cơn mưa rào đầu hạ bắt đầu xuất hiện. Mưa ở Mù Cang Chải đến rất nhanh, bất chợt như một cô gái đỏng đảnh. Buổi sáng, bầu trời vẫn còn sáng trong và nắng vàng dịu nhẹ, thế nhưng đến chiều, từng đám mây đen bất chợt kéo đến, tụ lại thành một mảng dày đặc. Chỉ trong chốc lát, những giọt mưa to như hạt ngô đã bắt đầu rơi xuống, ào ạt và dồn dập. Cơn mưa rào thả xuống những cánh đồng đang vào mùa nước đổ. Tiếng mưa rơi tí tách hạt mưa hòa quyện vỡ tan khi chạm vào các thửa ruộng, nước mưa hòa vào dòng suối, vào ruộng nương làm tăng thêm nét đẹp hoang sơ vốn có.
Sự bình yên của vùng núi cao Tây Bắc vẫn bao phủ nhưng trong lòng các cô giáo, một luồng sinh khí mới đã lan tỏa. Vào tháng 6 năm 2023 đó là thời điểm cô giáo Ngô Thị Bình Yên, Hiệu trưởng nhà trường, nhận được nhiệm vụ quan trọng từ chính quyền xã Púng Luông: hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Yên Bái S.
Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết làm cơ sở xây dựng và phát triển thực hiện triển khai các chương trình kế hoạch kinh tế - xã hội phát triển mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã và đang tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm từng bước xây dựng mô hình chính quyền số, công dân số. Nghành giáo dục tại huyện cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Ứng dụng Yên Bái S là một sản phẩm công nghệ thông tin quan trọng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân tiếp cận thông tin chính quyền, nộp hồ sơ thủ tục hành chính, cũng như kết nối trực tiếp với các dịch vụ công thiết yếu mà không phải đi lại xa xôi. Với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, việc đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng cao là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, để thực hiện điều này tại Púng Luông, một xã miền núi khó khăn với đa số dân tộc thiểu số, không phải là chuyện dễ dàng. Thực tế, nhiều người dân chưa quen thuộc với việc sử dụng điện thoại thông minh và thậm chí còn xa lạ với các ứng dụng trực tuyến. Ứng dụng Yên Bái S là một bước tiến hiện đại, là chìa khóa để đưa người dân vùng cao tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến, và điều này có ý nghĩa đặc biệt với bà con nơi đây. Trường Mầm Non Púng Luông không chỉ là ngôi trường thực hiện các nhiệm vụ giáo dục mà còn thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy chính quyền địa phương, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và người dân, được lựa chọn để hỗ trợ triển khai nhiệm vụ này.
Khi tiếp nhận nhiệm vụ, cô Yên không giấu được sự trăn trở. Cô hiểu rằng không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận công nghệ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa như Púng Luông. Người dân đa phần là người dân tộc thiểu số, chưa quen với các thiết bị công nghệ, chưa nói đến việc sử dụng các ứng dụng mới như ứng dụng Yên Bái S. Chính vì thế, nhiệm vụ này đặt ra không ít thách thức. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, cô Yên đã lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ một cách khoa học và hiệu quả. Với tư cách là một hiệu trưởng và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc cài đặt ứng dụng Yên Bái S. Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy cho trẻ em, các giáo viên còn phải đồng hành cùng người dân, giúp họ tiếp cận với công nghệ hiện đại. Đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để các giáo viên cống hiến cho cộng đồng, đóng góp công sức, trí tuệ người thầy giáo, cô giáo vào sự phát triển chung của huyện Mù Cang Chải.
II. Lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ xã, cô Yên đã nhanh chóng lên kế hoạch triển khai. Việc đầu tiên là tổ chức cuộc họp toàn thể giáo viên trong trường để phổ biến thông tin và truyền đạt rõ ràng mục tiêu của chiến dịch. “Chúng ta không chỉ là những người truyền đạt kiến thức cho trẻ, mà còn là cầu nối giúp bà con tiếp cận công nghệ. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của họ trong thời gian tới,” cô Yên phát biểu đầy tâm huyết.
Kế hoạch được chia làm nhiều giai đoạn. Đầu tiên, cô Yên và các giáo viên sẽ tham gia tập huấn về cách sử dụng và cài đặt ứng dụng Yên Bái S. Đây là bước quan trọng, vì nếu bản thân chúng tôi chưa hiểu rõ, việc hướng dẫn lại cho người dân sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Mỗi người một thiết bị, thực hành các bước từ cài đặt ứng dụng, đăng ký tài khoản đến xác thực thông tin. Buổi trao đổi này không chỉ là về kiến thức, mà còn là trải nghiệm để chúng tôi hiểu được sự khó khăn mà người dân sẽ gặp phải khi tiếp cận công nghệ mới. Đối với chúng tôi, việc học cách sử dụng ứng dụng là một trải nghiệm mới mẻ nhưng không kém phần thú vị. Chúng tôi tự hướng dẫn nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn, tự học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hào hứng sẵn sàng cho nhiệm vụ mới đặc biệt này.
Chúng tôi được giao nhiệm vụ cụ thể, phân công theo nhóm để phụ trách từng bản trong xã. Xã Púng Luông trải rộng trên 8 bản, địa hình đi lại khó khăn nên việc phân chia khu vực công tác là rất cần thiết. Đặc biệt, các giáo viên còn phải chuẩn bị tinh thần cho việc hỗ trợ những người dân chưa quen sử dụng điện thoại thông minh, thậm chí là cả những người không biết chữ. Đặc biệt vào mùa mưa, những con đường đất trơn trượt, bùn lầy càng làm cho hành trình thêm phần gian nan. Nhưng đối với chúng tôi, đây không chỉ là công việc, mà còn là sứ mệnh đối với cộng đồng. “Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ”, cô giáo Nguyệt chia sẻ trước khi chuẩn bị lên đường.
III. Những ngày đồng hành cùng người dân.
Những ngày tháng 6 khi mưa ở Mù Cang Chải bắt đầu kéo dài cả tháng. Tại thời điểm này chúng tôi vẫn phải thực hiện các công việc ở trường hoàn thành hồ sơ sổ sách cuối năm học. Tranh thủ lúc sáng sớm tinh mơ khi người dân chưa ra khỏi nhà lên nương rẫy, hoặc chiều tối muộn khi họ trở về sau ngày làm việc chúng tôi đến để hướng dẫn cài đặt ứng dụng Yên Bái S.
Các cô giáo tỏa đi các bản theo nhóm được phân công. Ngày đầu tiên chúng tôi bắt đầu lên bản là một ngày đầy thách thức. Với địa hình đồi núi của Púng Luông, việc di chuyển đến những bản xa như bản Mý Háng Tủa Chử vào mùa mưa như này không hề dễ dàng. Đường đi toàn đất đỏ vàng quoạch, bùn lầy lại thêm những cơn mưa dài ngày làm cho con đường đất càng trở nên trơn trượt. Tuy nhiên, trong ánh mắt của các cô giáo chỉ nhìn thấy người dân đang đón chờ trong tâm trí không hề có sự nản chí. Mỗi người đều hiểu rằng công việc chúng tôi đang làm không chỉ là cài đặt một ứng dụng, mà còn mang đến cho người dân một cuộc sống thuận tiện hơn, cho phép người dân được tương tác trực tiếp với cơ quan nhà nước và những điều kiện khác mà ứng dụng mang lại.
Những bánh xe bám đầy bùn đất, những đôi dép được sách trên tay, các cô giáo đi những đôi chân trần lấm lem nhưng nụ cười hồ hởi xua tan đi cái mệt nhọc trong người. Khi đến từng hộ dân, chúng tôi gặp không ít trở ngại, nhiều người dân tỏ ra bối rối trước việc cài đặt và sử dụng ứng dụng. Bà con phần lớn là người dân tộc thiểu số dù đã có điện thoại thông minh, chưa quen với các ứng dụng của điện thoại thông minh, thậm chí còn có phần e dè với công nghệ, học chủ yếu chỉ dùng điện thoại để nghe, gọi. Do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều hộ gia đình không có mạng internet ổn định để cài đặt ứng dụng. Chúng tôi phải tận dụng mọi nguồn tài nguyên có sẵn: từ điện thoại cá nhân có kết nối 4G, đến việc nhờ những hộ dân có mạng wifi tốt để hỗ trợ giải thích những cơ bản nhất như cách mở khóa điện thoại, bật Wi-Fi, cho đến việc hướng dẫn từng thao tác cài đặt ứng dụng Yên Bái S. Nhiều người dân rất ngại, thậm chí không dám cho tải ứng dụng vì sợ làm hỏng điện thoại. Nhưng khi thấy chúng tôi làm mẫu, họ dần dần thoải mái hơn và bắt đầu thực hiện theo. Mỗi giờ, ngày làm việc, trò truyện cùng bà con, từ việc nhập thông tin cá nhân, chọn mục tra cứu đến cách nộp hồ sơ, đều là những khoảnh khắc để chúng tôi thấu hiểu và gần gũi hơn với người dân cũng nhờ đó mà người dân tin tưởng và chia sẻ với các cô giáo những sinh hoạth đời thường của người dân địa phương nơi đây.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ chúng tôi đã chọn cách giao tiếp bằng những nụ cười thân thiện, những ví dụ gần gũi, giúp người dân dễ hiểu hơn về lợi ích của ứng dụng. Ứng dụng này sẽ giúp bà con không cần phải đi xa để làm giấy tờ, các thủ tục hành chính, các phản ánh của người dân...mọi thứ có thể làm ngay trên điện thoại.
Trong buổi hướng dẫn tại nhà anh Giàng A Tồng bản Mý Háng Tủa Chử anh chia sẻ: "Trước đây tôi không biết đến việc cài ứng dụng Yên Bái S. Sau khi nghe thông tin từ chính quyền, tôi cũng có thử tự cài nhưng không hiểu sao mãi không được. May mà có các cô giáo chỉ dẫn tận tình, giờ tôi mới hiểu rõ."
Chúng tôi đã gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn người dân. Nhiều người già không quen với việc sử dụng điện thoại thông minh, nhiều khi tiếng Việt còn không hiểu hết, chưa kể đến việc thao tác trên màn hình cảm ứng. Những đôi bàn tay nhuốm màu chàm xanh, run run thao tác trên ứng dụng, dù không biết chữ nhưng nhìn hình ảnh các cụ nhớ rõ lắm. Dù thời gian hướng dẫn kéo dài, mạng di động chập chờn, nhưng không ai nản lòng. Khi đi vào buổi tối phong tục người dân ở nhà thấp, ít cửa sổ lại chỉ có bóng điện nhỏ để tiết kiệm điện, nên chúng tôi phải dùng đèn điện thoại để soi. Một cô soi, một cô hướng dẫn người dân cài đặt. Chúng tôi rất vui khi thấy người dân tự tay cài đặt thành công ứng dụng, và ánh mắt hài lòng của bà con khi hiểu được ý nghĩa của việc cài đặt ứng dụng Yên Bái S đã khiến công việc của chúng tôi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Không chỉ là việc cài đặt ứng dụng, chúng tôi đã kiên nhẫn hướng dẫn người dân cách sử dụng cho các thủ tục hành chính trở nên dễ dàng hơn. Một khi bà con đã quen thuộc với ứng dụng, họ có thể tự mình tra cứu các thông tin quan trọng về chính sách xã hội, dịch vụ công, hay thậm chí là phản ánh những vấn đề với chính quyền các cấp. Đây là điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến.
IV. Kết quả sau nhiệm vụ đặc biệt.
Sau những ngày liên tục làm việc không ngừng nghỉ, chúng tôi những giáo viên mầm non của Trường Mầm Non Púng Luông đã hoàn thành nhiệm vụ với kết quả vượt mong đợi. Các hộ dân trong xã đã được hỗ trợ cài đặt thành công ứng dụng Yên Bái S. Đây là thành quả của sự nỗ lực, kiên trì và tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường.
Các cô giáo không chỉ giúp người dân cài đặt ứng dụng mà còn để lại trong lòng bà con những ấn tượng sâu sắc. Nhiều người dân đã bắt đầu sử dụng Yên Bái S để nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin và liên hệ với chính quyền một cách thuận tiện. “Nhờ các cô giáo mà tôi mới biết dùng điện thoại để làm giấy tờ. Trước đây phải đi rất xa, nay chỉ cần ở nhà cũng làm được,” ông Vàng A Khua, một người dân trong bản Nả Háng Tủa Chử chia sẻ với niềm vui.
Đối với chúng tôi, đây là một trải nghiệm không thể nào quên. “Chúng tôi không chỉ dạy học mà còn học được rất nhiều từ bà con. Họ giúp chúng tôi hiểu rằng, công nghệ không chỉ dành cho người thành phố, mà còn có thể mang lại lợi ích cho cả những người dân ở vùng sâu vùng xa,” cô Yên chia sẻ.
Những nụ cười của bà con, những cái bắt tay chân thành, và sự gắn kết sâu sắc giữa giáo viên và cộng đồng đã trở thành món quà lớn nhất đối với các cô. “Mỗi lần nhìn thấy một người dân cài đặt thành công ứng dụng, tôi thấy như mình vừa làm được điều gì đó rất lớn lao”. Cô giáo Sua nói.
Công việc hỗ trợ cài đặt ứng dụng Yên Bái S đã khép lại, nhưng dấu ấn của nó sẽ còn mãi trong lòng người dân xã Púng Luông. Qua nhiệm vụ này, chúng tôi những giáo viên mầm non của Trường Mầm Non Púng Luông đã thể hiện không chỉ lòng nhiệt huyết với nghề mà còn là tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, với chính quyền và nhân dân địa phương. Việc mang công nghệ đến gần hơn với bà con là những bước tiến mới trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả một vùng đất đầy tiềm năng đặc biệt trong việc quảng bá phát triển du lịch của huyện nhà. Là bước đệm tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhằm từng bước xây dựng mô hình chính quyền số, công dân số trong toàn huyện.
Chuyến hành trình này không chỉ là công việc mà còn là một câu chuyện đẹp về sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, về tình cảm gắn bó giữa giáo viên và người dân, giữa con người và quê hương nơi mình sinh sống.
Trương Hương – Trường Mầm non Púng Luông
CÁC TIN KHÁC