Để đảm bảo tiến độ khai thác gỗ rừng tự nhiện, rừng trồng trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác để bàn giao mặt bằng thi công, bảo vệ thi công Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Trong hai ngày 29, 30/10/2024, huyện Mù Cang Chải đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Sùng A Chua – Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm trưởng đoàn đã đến các điểm khó khăn xã Nậm Có tổ chức tham gia bảo vệ khai thác lâm sản, bảo vệ thi công thực hiện Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Một góc đường đang thi công tại địa phận xã Nậm Có và địa phận xã Chế Cu Nha
Đường nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 69km, riêng đường đi qua hai xã Nậm Có và Chế Cu Nha là 43 km với 268 hộ dân ở xã Chế Cu Nha và Nậm Có bị ảnh hưởng. Tất cả người dân thuộc diện thu hồi đất trong Dự án đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu.
Để đảm bảo tiến độ thi công Dự án đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại IC15 đoạn qua địa bàn xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chả. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành của tỉnh, huyện Mù Cang Chải, xã Nậm Có đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công và nằm trên tuyến đường đi qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó vẫn còn một số hộ dân có diện tích cây thảo dược, cây lâu năm chưa được đền bù, hỗ trợ do không nằm trong kế hoạch đền bù hỗ trợ tái định cư, gây khó khăn cản trở việc thi công của các đơn vị thực hiện tại các tuyến. Ông Thào A Cu – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: Những diện tích được đền bù giải phóng mặt bằng đã được bàn giao cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, những diện tích người dân trồng cây thảo dược dưới tán rừng không có kế hoạch đền bù (do nằm trong diện tích rừng bảo vệ), người dân còn gây cản trở, khó khăn. Được sự vào cuộc của đoàn công tác đến nay chúng tôi đã cơ bản giải quyết được những khó khăn vững mắc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Thào A Cu – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có
Sau gần 3 năm kể từ ngày khởi công, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của các ban, sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã bám sát phương châm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất; giảm thiểu tình trạng tranh chấp, bất đồng, khiếu nại, tố cáo trong nhân dân. Từ thực tế, tất cả người dân thuộc diện thu hồi đất trong dự án đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ, nhận thức còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu thông qua tổ chức họp dân để triển khai giúp Nhân dân nắm bắt, hiểu đầy đủ thông tin về công trình, dự án cũng như phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để người dân chấp hành các chủ trương, chính sách về quản lý, thu hồi đất đã góp phần thuận lợi trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Sùng A Chua – Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cùng đoàn công tác kiểm tra bản đồ diện tích cây lâu năm tại km 19
Cụ thể, trong giai đoạn 1, đã phê duyệt bản đồ thu hồi đất đoạn từ Km 00 đến Km 12 và Km 23 đến Km 30 trong tháng 10/2022; đoạn từ Km 12 đến Km 23 cũng đã được phê duyệt bản đồ thu hồi đất vào tháng 3/2023; giai đoạn 2 từ Km 30 đến Km 43 đang thẩm tra bản đồ. Theo đó, trong các đoạn từ Km 00 đến Km 12 và đoạn từ Km 23 đến Km 30 sẽ thu hồi đất đai, tài sản của 207 hộ gồm 150 hộ có đất không nằm trong đất rừng phòng hộ nên tổ chức kiểm kê tài sản, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường và hiện tại đã cơ bản giao một phần mặt bằng cho đơn vị thi công.
Còn lại 57 hộ, gồm 27 hộ ở xã Nậm Có và 30 hộ ở xã Chế Cu Nha có diện tích đất xen kẹt nằm trong đất rừng phòng hộ đang tiếp tục được Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất để trình tỉnh xem xét giải quyết. Bên cạnh đó, công tác tạm ứng kinh phí để hỗ trợ đền bù tài sản, di chuyển mồ mả cũng được thực hiện, giúp các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay một số diện tích cây thảo dược được người dân trồng xen kẹt dưới tán rừng của người dân không nằm trong kế hoạch hỗ trợ giải phóng mặt bằng, người dân không đồng tình ủng hộ và gây khó khăn trong công tác làm sạch mặt bằng gây khó khăn trong quá trình thực hiện công trình. Ông Đào Xuân Ngọc - Cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công đoạn Km 14+500 đến Km 20+00 mong muốn:
Với đơn vị thi công mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết các diện tích rừng phòng hộ và các diện tích người dân trồng cây lâu năm cho hợp lý, chỉ đạo bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công chúng tôi để chúng tôi thực hiện công trình đảm bảo theo kế hoạch.
Ông Đào Xuân Ngọc - Cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công đoạn Km 14+500 đến Km 20+00
Đơn vị thi công cùng với các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành đo đạc một số diện tích cây lâu năm của người dân
Hiện nay đơn vị giải phóng mặt bằng đã bàn giao 30 km cho đơn thi công, còn 13 km còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do có cây thảo dược của người dân. Để công tác bồi thường giải phóng mặt bằng những diện tích còn lại được thực hiện hiệu quả, hạn chế thấp nhất những vướng mắc, cản trở trong nhân dân và sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công thì cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ dân đã đồng tình ủng hộ và bàn giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Đỗ Xuân Cường – Cán bộ ban quản lý dự án cho biết: Tuyến qua 2 xã Nậm Có và xã Chế Cu Nha có 13 km đường nằm trong diện tích rừng phòng hộ, người dân trong các loại cây thảo dược, cây lâu năm; đường vào thi công, công trình chủ yếu là đường mòn, đường dân sinh của người dân do đó cứ qua một mùa mưa đường hỏng gây khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, xe cội thực hiện thi công tuyến.
Ông Đỗ Xuân Cường – Cán bộ ban quản lý dự án
Việc mở Dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội cho huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nói riêng và các huyện lân cận nói chung. Nhưng để tạo lòng tin của Nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm; giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất; đặc biệt là các thủ tục phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch./.
A Đảng
CÁC TIN KHÁC