• Loading...
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái
 

Thư viện hình ảnh

Lượt truy cập

Huyện Mù Cang Chải - trên con đường đổi mới và phát triển

Ngày xuất bản: 18/10/2022 2:23:00 SA
Lượt đọc: 2939

 Huyện Mù Cang Chải được thành lập vào ngày 18/10/1957 gồm 13 xã theo Nghị định số 606/TTg và Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ và từ đây bộ máy Chính quyền được thành lập và đi vào hoạt động như một đơn vị hành chính trên địa bàn.

 

Từ khi thành lập, huyện Mù Cang Chải là một huyện miền núi có đồng bào Mông chiếm trên 91% đời sống của Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, người dân sống du canh du cư, chủ yếu, phá rừng làm nương rẫy, trồng cây anh túc hay còn gọi là cây thuốc phiện còn phổ biến, phương thức canh tác lạc hậu, tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, Nhà nước phải cứu đói đến 6 - 7 tháng/năm. Cùng với đó là các hủ tục lạc hậu như ma chay, tảo hôn và một số hủ tục khác còn khá phổ biển. Đây là một bài toán đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền huyện cần tìm lời giải. Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết của Nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, vượt lên khó khăn, tích cực đổi mới, nhất là đổi mới về nhận thức, khơi dậy ý trí tự lực, tự cường, cần cù trong lao động sản xuất, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, khai hoang ruộng bậc thang. Với sự nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết đó đã từng bước đưa huyện Mù Cang chải đi lên, trong đó phải kể đến cuộc cách mạng xoá bỏ cây thuốc phiện của đồng bào người Mông năm 1992.

Từ một huyện thiếu đói triền miên đến nay huyện hầu như không còn hộ đói. Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm sau cao hơn năm trước. Để tăng sản lượng lương thực nhằm giải quyết cho bài toán thiếu lương thực hàng năm, năm 1997, huyện đã phát động sản xuất vụ động xuân với diện tích trên 350 ha. Từ đó đến nay huyện luôn duy trì và tăng diện tích đông xuân theo từng năm. Nhờ đó, đến năm 2021, tổng diện tích trồng cây lương thực có hạt đạt trên 12.940 ha (tăng 8.686,6 ha); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 46.254 tấn (tăng 41.312 tấn); tổng đàn gia súc chính đạt 80.050 con (tăng 68.000 con); bình quân lương thực đầu người đạt 700kg/người/năm (tăng 530kg); thu nhập bình quân đầu người đạt 26,4 triệu đồng/người/năm; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực có 01 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, 04 bản của 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt trong những năm gần đây, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và của tỉnh, người dân Mù Cang Chải đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo với tốc độ bình quân giảm 7,5 - 8%/năm. Từ một huyện có 100% hộ nghèo đến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo còn 32,08% (theo chuẩn đa chiều cũ).

 

Bộ trưởng bộ Nông NNPTNTVN cùng lãnh đạo tỉnh và huyện tham quan mô hình trồng hoa hồng tại xã Nậm Khắt

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển, 14/14 xã, thị trấn có đường ô tô bê tông đến trung tâm; trụ sở làm việc được xây dựng khang trang; 100% bản có đường xe máy phục vụ Nhân dân đi lại; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng góp trên 50% thu ngân sách địa phương. Từ một địa phương không có điện lưới quốc gia đến nay đã có 79/98 bản, tổ dân phố và 84,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; có 246 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 956 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ; thu ngân sách địa phương năm 2021 đạt trên 150 tỷ đồng (năm 1991 là 370,8 triệu đồng). 

 

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nông Việt Yên  kiểm tra công tác giáo dục tại xã Chế Tạo

Lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Văn hóa, xã hội được quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Từ một huyện có tỷ lệ mù chữ cao, đến nay, toàn huyện có 40 trường và 55 điểm trường mầm non,  693 nhóm, lớp với 23.059 học sinh, trong đó có trên 11.200 học sinh được nuôi dạy tại 20 trường bán trú; tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần được duy trì từ 97 - 99%; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, có 9 trường đạt chuẩn quốc gia; triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”, “lớp học hạnh phúc” tại 37 đơn vị trường; xây dựng mô hình “trường học du lịch” tại 7 đơn vị trường. Việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, đến nay có 11/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 3,3 bác sỹ/1 vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99%. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân có nhiều tiến bộ, nhiều phong tục tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ; việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch được đẩy mạnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong những năm gần đây và những năm tiếp theo.

Lĩnh vực Quốc phòng - An ninh thường xuyên được giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị có những chuyển biến tích cực, nhất là thông qua triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân đã tạo sức lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch -  là điểm đến Bản sắc, An toàn, Thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế.

Riêng năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã bám sát Chương trình hành động số 56 của Tỉnh uỷ và Huyện uỷ Mù Cang Chải đã ban hành Kế hoạch số 64-KH/HU để thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và cụ thể hóa thành 45 chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, đến nay có 12/45 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch; 15/45 chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên9/45 chỉ tiêu đạt từ 50% - 80%; 9/45 chỉ tiêu đánh giá quý IV năm 2022. Đặc biệt, lĩnh vực phát triển du lịch với tiềm năng lợi thế Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, với Lễ hội “Mùa nước đổ” - một dấu ấn khởi động trở lại đối với ngành du lịch, lượng khách du lịch đến với huyện 114.085 lượt, đạt 54,3% kế hoạch, tăng 196,3% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 85,56 tỷ đồng, đạt 55,2 % kế hoạch, tăng 403% so với cùng kỳ; đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 44.984 tấn, đật 98% kế hoạch; Tổng đàn gia súc chính đạt 83.900 con, đạt 101% kế hoạch, dự ước cả năm đạt 86.790 con, tăng 16.600 con so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất nông lâm, nghiệp thủy sản đạt 470 tỷ đồng, dự ước cả năm đạt 568 tỷ đồng, tăng 68 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022, đạt 346,3 tỷ đồng, dự ước cả năm đạt trên 470 tỷ đồng. Hiện toàn huyện có 956 cơ sở kinh doanh, dịch vụ thương mại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, 9 tháng đầu năm đạt 292,2 tỷ đồng, ước cả năm đạt 410 tỷ đồng; thu ngân sách từ đầu năm đến nay đạt 98,8 tỷ đồng và dự ước cả năm đạt 149 tỷ đồng…Các chế độ chính sách an sinh xã hội đều quan tâm chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời, nhất là các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn theo quy định. Việc gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Mù Cang Chải “Thân thiện - Nhân ái - Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập”.

 Với những nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã đạt được trong 65 năm xây dựng và phát triển, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới: Năm 1998 xã Cao Phạ được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” thời kỳ kháng chiến chống Pháp; năm 2000 huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; năm 2007 được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận “Danh thắng ruộng bậc thang cấp quốc gia”; năm 2012 đón nhận “Huân chương lao động hạng nhất” và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia “Nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ”. Năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải” và đặc biệt hơn năm 2022, huyện Mù cang Chải đã được Đảng, Nhà nước phong tặng huân chương độc lập hạng III.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy trao Huân chương độc lập hạng III cho huyện Mù Cang Chải

Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng bộ huyện đã trải qua 19 kỳ Đại hội, tới nay, toàn Đảng bộ huyện đã có trên 3.000 đảng viên sinh hoạt tại 174 chi bộ thuộc 32 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy. Điều đáng trân trọng và tự hào là dù trong hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, đảng viên tiếp nối nhau của Mù Cang Chải đã luôn đoàn kết, không quản ngại khó khăn, gian khổ để xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh; kiên trì, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để cùng Nhân dân các dân tộc trong huyện tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới.

Từ một huyện thiếu đói triền miên, người dân sống du canh, du cư, đến nay huyện đã không còn hộ đói. Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm sau cao hơn năm trước.

Từ sau Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đảng bộ huyện đang nỗ lực tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện với mục tiêu “xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”. Với và sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Đảng bộ huyện đã chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị với phương châm “Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, kỷ cương, hiệu quả”.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải đã và đang thu hút sự đầu tư của Đảng, Nhà nước vào địa bàn, như: tuyến đường kết nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15); công trình nâng cấp đường vành đai thị trấn và một số công trình hạng mục quan trọng khác ...Đây là những tiền đề quan trọng để huyện có điều kiện bứt phá, vươn lên thoát nghèo trong những năm tới.

 

Khởi công tuyến đường kết nối Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15);

Để tiếp nối truyền thống vẻ vang trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, các Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của huyện Anh Hùng trong thời kỳ đổi mới nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đổi mới tác phong làm việc, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp; khơi dậy ý chí khát vọng phát triển, xây dựng con người Mù Cang Chải “ Đoàn kết, nhân ái, sáng tạo, thân thiện, hội nhập”; quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra.   

 

 A Cớ

Bản đồ huyện Mù Cang Chải

Thư viện Video

chương trình phát thanh 21.9.2024

chương trình phát thanh 20.9.2024

chương trình phát thanh 19.9.2024