Sáng ngày 23/01/2023 (Tức ngày mùng 2 Tết) Nhân dân bản Thái tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải đã rộn ràng và sôi động các hoạt động chào Xuân Quý Mão năm 2023. Trong đó các trò chơi dân gian được Nhân dân trong bản tổ chức không thể thiếu trong ngày hội Xuân gồm: Tó mác lẹ, đánh yến và ném còn thu hút đông đảo bà con Nhân dân trong bản tham gia.
Trò chơi "Tó mác lẹ" của đồng bào người Thái thường được tổ chức vào các ngày lễ, tết... Tó mác lẹ đã trở thành trò chơi phổ biến, đặc sắc, mang tính đoàn kết cao, mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc Thái Mù Cang Chải nói riêng và dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung. Từ bao đời nay, trò chơi tó mác lẹ được đồng bào dân tộc Thái lưu truyền, gìn giữ như một nét văn hóa riêng, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là phụ nữ. Má lẹ có hình tròn, dẹt, độ dày khoảng 1 cm, đường kính từ 4-6 cm, lấy từ loại cây dây leo ở rừng già. Cách chơi tó má lẹ đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia. Sân chơi chỉ là một bãi đất nhỏ, bằng phẳng hoặc có thể chơi ngay dưới gầm sàn hay nhà văn hóa bản. Thời gian của một cuộc chơi phụ thuộc chủ yếu vào số lượng người tham gia và kỹ năng của từng người. Khi thi đấu người chơi được chia thành 2 đội, mỗi đội nhiều nhất là 7 người. Bên đội đánh sau có nhiệm vụ xếp quả mác lẹ tương ứng với số người chơi của một đội.
Việc chuẩn bị cho trò chơi tó mác lẹ rất đơn giản. Trên sân kẻ 3 vạch: Vạch thứ nhất ở đầu sân, là chỗ đứng của người chơi, đây là vạch xuất phát; vạch thứ 2 cách vạch xuất phát từ 3m đến 5m trở lên, là vạch để người chơi đánh dấu điểm đánh; vạch thứ 3 là vạch đánh, cách vạch thứ 2 khoảng 1 m. Tó mác lẹ có nhiều bước chơi, nhưng thông thường người ta chơi theo bốn bước, dùng hai ngón tay cái và ngón chỏ Bước thứ nhất, người chơi đặt mác lẹ lên đầu gối, dùng ngón cái và 1 ngón chỏ bật mác lẹ sao cho trúng mác lẹ đội bạn và bay qua đích (gọi là tó khấu nọi); bước thứ hai, người chơi đứng ở vạch quy định xa hơn bước 1, bật mác lẹ về phía hàng mác lẹ đội bạn, mác lẹ dừng ở điểm nào, lấy điểm đó làm điểm để đánh (gọi là khấu luông); bước thứ ba, người chơi đặt mác lẹ lên mu bàn chân, vừa chạy vừa dùng chân đánh mác lẹ, để mác lẹ bắn vào mác lẹ đội bạn (gọi là xai phá); bước tiếp theo người chơi để quả mác lẹ kẹp vào giữa ngón chỏ và ngón cái, vừa đi vừa đu đưa chân, đến nơi đạp chân xuống đất làm sao để quả mác lẹ bung ra bắn vào quả mác lẹ đội bạn (tầm lút); bước tiếp theo cũng như bước trước, nhưng khi kết thúc đánh là quả mác lẹ không rơi khỏi chân của người; bước đánh cuối cùng, người đánh lăn quả mác lẹ, làm sao cho quả mác lẹ lăn đến gần nhất quả của đối phương và dùng tay dừng lại, cuối cùng cầm quả mác lẹ lăn trúng quả mác lẹ đội bạn (Gọi là lòng sai). Tất cả thành viên trong đội phải vượt qua năm bước trên thì thắng cuộc, nếu có thành viên nào trong đội không vượt qua ở bước nào thì sẽ có thành viên khác cứu bằng cách đánh hộ, nếu cứu được thành viên để qua tất cả các bước thì đội đó sẽ thắng cuộc. Cuộc chơi cứ như vậy kéo dài, không phân biệt trẻ hay già, hò reo cổ vũ trong tiếng trống rộn ràng. Tó má lẹ đòi hỏi người chơi có sự khéo léo, tỉ mỉ, dẻo dai, đặc biệt là độ chính xác cao và có sức mạnh để đánh quả má lẹ của đội bạn bay qua đích.
Hiện nay, trò chơi dân gian tó mác lẹ của đồng bào dân tộc Thái đã và đang được lớp trẻ phát huy, gìn giữ và trở thành môn thể thao được nhiều người ưa thích. Chính vì vậy, hằng năm trò chơi này vẫn được cấp ủy, chính quyền quan tâm và cũng là một trong những bộ môn chính của các trò chơi dân gian dân tộc Thái để thi đấu trong các ngày hội văn hóa dân tộc./.
Hồng Mỷ
CÁC TIN KHÁC