Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc khi nói về “Cách lãnh đạo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết” để đề cập đến một trong những nội dung và phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng là kiểm tra, giám sát. Quan điểm của Người mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.
CẦN CÓ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN VÀ PHÒNG NGỪA ĐỂ HẠN CHẾ SAI LẦM, KHUYẾT ĐIỂM
Khuyết điểm của cán bộ, đảng viên là điều không thể tránh khỏi. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đều sinh ra và phát triển từ trong lòng xã hội, chịu sự tác động của cả những yếu tố tích cực và tiệu cực, tốt và xấu, tiến bộ và lạc hậu. Hồ Chí Minh khẳng định: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen...”(1). Mặt khác, mỗi con người hay mỗi tổ chức không phải lúc nào cũng đi trên con đường thẳng tắp mà thường phải vượt qua những khúc quanh, những khó khăn, phức tạp. Trong quá trình ấy, hoạt động của con người và tổ chức không thể tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm ở những mức độ khác nhau. Hồ Chí Minh thường hay nhắc lại câu nói của Lênin: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài.
Đối với những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng”. Đặc biệt với những cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh trước những khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ về tiền tài, danh lợi càng dễ mắc sai lầm, khuyết điểm.
Thái độ đối với sai lầm, khuyết điểm của các đối tượng khác nhau được Hồ Chí Minh chỉ ra cụ thể. Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm để tô vẽ thêm nhằm phá hoại Đảng; bọn đầu cơ sẽ lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm để đạt mục đích tự tư tự lợi; những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt sẽ có thái độ “mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi”, không phê bình, không tự phê bình; những người máy móc, chủ quan thì đòi phải đuổi những người mắc sai lầm, khuyết điểm ra khỏi Đảng. Thái độ đúng đắn, khách quan, khoa học của Đảng trước những sai lầm, khuyết điểm đó là “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”(2).
Tuy nhiên, Đảng cần phải có biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa tốt nhất để hạn chế những sai lầm, khuyết điểm hoặc tránh những sai lầm, khuyết điểm trở nên trầm trọng thông qua một trong những phương thức quan trọng đó là kiểm tra, giám sát.
Đối với tổ chức Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định, kiểm tra, giám sát để biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu, biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của các cơ quan, ban ngành... giúp ta biết được “ở cấp dưới, ở cơ sở, có những nơi cán bộ phụ trách không tốt, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, làm những điều xấu xa”(3). Nhờ đó, không chỉ gúp cho lãnh đạo nắm chắc chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa sai lầm, khuyết điểm mà còn giúp đỡ họ kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm ấy.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, kiểm tra, giám sát “có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức"(4). Mặt khác, kiểm tra, giám sát cũng giống như một "tấm gương soi" đối với mỗi người để họ tự nhìn nhận về những lời nói và việc làm, tự nhận thức về những ưu điểm và khuyết điểm, từ đó tự giác phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để luôn phát triển, tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ được phân công, làm tấm gương sáng cho quần chúng noi theo.
Hồ Chí Minh phê phán một cách nghiêm khắc sai lầm rất lớn trong lãnh đạo đó là một số cấp ủy còn lơ là, chưa quan tâm đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát, làm việc nhưng “quên kiểm tra”. Cán bộ mắc bệnh quan liêu, bàn giấy, chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện, gửi chỉ thị và kết quả là họ không biết gì đến những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không... Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn khẳng định, kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, là một bộ phận trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Những năm vừa qua, Đảng đã có nhiều nỗ lực trong việc bổ sung, phát triển, hoàn thiện các quan điểm, nguyên tắc và phương pháp của công tác này. Nhờ vậy, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp uỷ, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”(5).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đã đạt được, trong kiểm tra, giám sát vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế cần sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm…; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời”(6).
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy vai trò của kiểm tra, giám sát trong xây dựng Đảng hiện nay, chúng ta cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, ý thức thường xuyên tự kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh quan niệm, mỗi đảng viên do sự “tự giác” và “lòng hăng say” của mình mà vào Đảng, mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ tiên phong. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là một trong những người đại biểu cho dân tộc. Thực hiện chuẩn mực “chặt chẽ và nghiêm khắc” trong quan hệ với chính mình, Người yêu cầu, phận sự của đảng viên và cán bộ là “cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình”(7). Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, đồng thời phải nêu cao nhận thức và có ý thức tự kiểm điểm những lời nói, những việc làm, thường xuyên xem xét, đánh giá những điều hay - dở, đúng – sai, tốt – xấu để phát triển điều hay, sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phải hoan nghênh cấp dưới và nhân dân phê bình, chống bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thực. Hồ Chí Minh chỉ rõ, sau mỗi công việc, cần tự mình kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm ra ưu điểm để phát huy, nhân rộng; đồng thời chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân để sửa chữa, khắc phục kịp thời, không để sai lầm từ một người thành sai lầm của nhiều người, sai lầm của một tổ chức thành của nhiều tổ chức.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng nằm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, do đó nguy cơ suy thoái, mắc phải những sai lầm, khuyết điểm là nguy cơ thường trực. Nhất là trong điều kiện hoà bình, cán bộ, đảng viên ai cũng mong muốn chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của bản thân và gia đình. Đó là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nếu nhu cầu chăm lo cho bản thân và gia đình vượt qua những quy định cho phép của người đảng viên, vi phạm Điều lệ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những chuẩn mực của cộng đồng thì nhu cầu đó là sự ích kỷ, hẹp hòi, vụ lợi. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải tự giác, thường xuyên kiểm tra, giám sát chính mình, trong đó người đứng đầu tổ chức phải gương mẫu, thống nhất cao về ý chí và hành động trong thực hiện kiểm tra, giám sát của Đảng và tự kiểm tra, giám sát chính mình.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và quyết tâm chính trị của cấp uỷ tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên các cấp về kiểm tra, giám sát của Đảng. Cần phải thay đổi nhận thức chưa đúng đối với nhiều người hiện nay khi cho rằng kiểm tra, giám sát mang ý nghĩa tiêu cực, là sự kiềm chế, thúc ép, định ranh giới, theo dõi hoặc lôi kéo dẫn đến những cuộc tranh luận không đáng có hoặc những tổ chức và cá nhân bị kiểm tra, giám sát là những tổ chức, cá nhân “có vấn đề”.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Đảng, giữ nghiêm kỷ luật Đảng góp phần phát hiện và khắc phục những khuyết điểm ngay từ khi mới manh nha. Tăng cường kiểm tra, giám sát về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp lụât của Nhà nước, chấp hành Điều lệ Đảng và các chủ trương, chính sách. Trong kiểm tra cần chú ý lắng nghe dư luận quần chúng; tiếp nhận ý kiến của Mặt trận, đoàn thể nhân dân nhận xét phê bình cán bộ, đảng viên theo định kỳ hoặc đột xuất. Cần coi trọng phát hiện các nhân tố tích cực, việc làm tốt, điển hình tốt giúp cho cấp uỷ tổng kết, rút ra những kinh nghiệm hay, những cán bộ đảng viên tiêu biểu... để bồi dưỡng và nhân rộng.
Cùng với kiểm tra, giám sát là giữ vững kỷ luật Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, làm chủ bản thân, không làm điều gì khuất tất. Kỷ luật của Đảng cũng là kỷ luật sắt, nghĩa là rất nghiêm khắc, nghiêm minh. Chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và mỗi cán bộ, đảng viên mới tránh được sai phạm. Kỷ luật của Đảng có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo đồng thời hướng những người sai phạm có thể sửa chữa để tiến bộ. Trong điều kiện đảng cầm quyền và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kỷ luật của Đảng gắn liền với pháp luật Nhà nước. Các cán bộ, đảng viên sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ và bình đẳng trước pháp luật.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước.
Hệ thống pháp luật thực sự là phương tiện hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; phục vụ cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng về thứ bậc, chính xác, minh bạch và dễ hiểu, dễ thực hiện, có tính khả thi cao. Các đạo luật phải giữ vị trí tối thượng và là hình thức chủ yếu trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quy định các vấn đề cơ bản, quan trọng của đời sống xã hội, quyền, nghĩa vụ của công dân.
Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Thậm chí, những đảng viên giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu thực thi pháp luật và nếu mắc sai phạm càng phải chịu kỷ luật nghiêm khắc. Pháp luật bảo vệ Đảng, bảo vệ những cán bộ, đảng viên chân chính, đồng thời nghiêm trị những phần tử đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của Đảng. Hồ Chí Minh viết: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(8).
Thanh tra là một trong những nhiệm vụ không thể thiếu trong hệ thống các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện những thiết xót trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, từ đó kiến nghị với với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp để khắc phục. Thanh tra Nhà nước xem xét, đánh giá, xử lý các cơ quan Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách pháp luật; nhiệm vụ của cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý theo thẩm quyền.
Tập trung chỉ đạo công tác thanh tra thực hiện tốt công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại đông người; giải quyết các vụ việc tồn đọng, bức xúc kéo dài. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tăng cường việc củng cố, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân; xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân
Theo Hồ Chí Minh, đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là, hết sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối. Như vậy thì nhất định được nhân dân ủng hộ và việc gì to mấy, khó mấy làm cũng nên.
Nói về vai trò của nhân dân trước những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(9). Nói về việc thực hiện chữ Liêm của cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh cho rằng, “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”(10). Vì vậy, phải làm cho nhân dân nhận thức được về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của mình trong việc giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, tránh thái độ thờ ơ, lảng tránh hoặc qua quýt.
Dân chủ thể hiện quyền và nghĩa vụ của người dân (nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ). Quyền và nghĩa vụ đó được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Nhưng để quyền đó được thực thi trong thực tế, để người dân có thể thực hiện quyền đó một cách thường xuyên, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể, có cơ chế thực hiện. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình. Chẳng hạn thông qua Ban Thanh tra nhân dân (Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước) nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước…
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, giám sát đồng thời xuất phát từ những yêu cầu, đỏi hỏi trong thực tiễn để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đưa sự nghiệp đổi mới của chúng ta đi đến thắng lợi hoàn toàn./.
Trần Thị Hợi
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Tuyên giáo
Thanh Huyền (st)
__
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.11, tr. 601 – 602.
(2) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.362, 362.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.224.
(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. II, tr. 197 – 198, 201.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.305.
(8) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127, 127.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.419.
CÁC TIN KHÁC