Gần 20 năm gắn bó với núi rừng Mù Cang Chải, bước chân của người kỹ sư lâm nghiệp Phạm Quang Thọ đã in dấu trên khắp các bản làng vùng cao, nuôi lớn trong anh niềm đam mê và ước mơ khát khao tạo lập một trang trại nông nghiệp sạch trên núi. Nhờ có sự đam mê và quyết tâm nên giấc mơ của anh Thọ đã thành hiện thực, tạo công ăn việc làm cho bà con người địa phương, đồng thời cũng là những mô hình sạch phục vụ cho các tiểu thương trong và ngoài tỉnh.
Gà tại trang trại của anh Thọ
Chúng tôi đến thăm mô hình trang trại nông nghiệp sạch của anh Phạm Quang Thọ tại bản Háng Gàng, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện chừng 20 km theo đường đi vào xã Chế Tạo. Khi đến nơi, chúng tôi ngỡ ngàng trước không gian trang trại rộng biết chừng nào, xung quanh được xây bằng gạch bê tông và lưới thép B40 với diện tích chăn nuôi trên 2.000 mét vuông và khu vực xung quanh trang trại là những thửa ruộng bậc thang được anh Thọ dùng máy xúc san để trồng rau, củ quả mà hiện nay nhân công anh đang làm đất chuẩn bị trồng rau vụ này. Theo tìm hiểu, trang trại của anh Thọ đã tạo công ăn việc làm cho 12- 15 người lao động với mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Anh Lờ A Chư bản Hú Trù Lình xã Lao Chải là người đã gắn bó tại trang trại của anh Thọ được gần 3 năm nay, ngoài tiền ăn ra, anh còn thu nhập trung bình 6 triệu/tháng. Anh Lờ A Chư nhân dân xã Lao Chải– Mù Cang Chải cho biết: (Tôi vào đây làm cùng anh Thọ được gần 3 năm nay, khi tôi vào đây làm đã học hỏi được rất nhiều về kỹ thuật, nhất là kỹ thuật chăn nuôi, trồng cây các loại, xong việc ở đây khi về nhà tôi đã hướng dẫn cho vợ con phải làm theo kỹ thuật như anh Thọ. Nhờ đó chăn nuôi của gia đình tôi đã khác hẳn trước đây)
Với phương thức canh tác lạc hậu của đồng bào Mông nơi đây còn nhiều lạc hậu, chủ yếu là tự cung, tự cấp, chăn thả tự do. Nhờ đó sau nhiều năm đi chỉ đạo người dân trồng rừng tại xã Lao Chải, anh Thọ đã quyết tâm và phải tiên phong đi đầu và có một suy nghĩa táo bạo, dám nghĩ, dám làm trong phong trào phát triển kinh tế ở mảnh đất hoang sơ, cằn cỗi để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhân dân học tập và làm theo. Theo anh Thọ, lúc đầu anh mới cùng ông Sùng A Sào nguyên Chủ tịch UBND xã trồng rừng để làm điểm cho nhân dân học tập và làm theo. Một thời gian cây sinh trưởng nhanh, nhất là cây táo, anh tiếp tục đầu tư và mua thêm đất đồi để trồng táo, trồng rau xanh các loại và mở rộng trang trại. Lúc đầu để khởi nghiệp mô hình này, anh Thọ đã gặp không ít khó khăn. Anh Phạm Quang Thọ - chia sẻ: Lúc đầu khó khăn nhất vẫn là vốn, anh phải đi vay mượn anh em, bạn bè và vay ngân hàng mới đủ anh xây dựng trang trại với quy mô như vậy.
Chấp nhận khó khăn về gia đình vợ con ở Khao Mang, còn mình ở Lao Chải, một chốn đôi nơi, chàng kỹ sư lâm nghiệp này chưa khi nào hết bận rộn. Tối anh lên mạng nghiên cứu, tìm kiếm thông tin để mở rộng mối bạn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm của trang trại. Hiện các sản phẩm của trang trại anh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa tại huyện và một số địa phương lân cận trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là năm 2018, anh đã bán 2 lứa gà tương đương 4.000 con gà thịt khoảng 8 tấn cho nhân dân các xã lân cận, các nhà hàng trong và ngoài huyện, và 1 tạ rau/ngày phục vụ các trường học với trừ chi phí ra anh có thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do trang trại nằm cách xa trung tâm huyện và các chợ thương mại trong vùng, nên công tác vận chuyển đã gặp không ít khó khăn, nhất là chi phí vận chuyển các mặt hàng đi tiêu thụ. Ngoài nuôi gà ra, anh Thọ còn đầu tư chăn nuôi thỏ, hiện nay mô hình của anh đã xuất lứa đầu với 2.000 con và trong chuồng nuôi đang chuẩn bị xuất lứa thứ hai.
Anh Thọ đang chăm sóc đàn thỏ
Hiện nay, anh đã có 2 khu chăn nuôi gà thịt được quy hoạch xây dựng căn bản, công tác phòng dịch bài bản. Toàn bộ diện tích sản xuất rau xanh gần 2 ha được đầu tư hệ thống tưới tự động, sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ. Diện tích trồng sơn tra được san gạt hoàn toàn bằng máy múc, phân bố hợp lý theo các đường tạo vành đai bao quanh trang trại và tổng diện tích trang trại và trồng cây sơn tra của anh là trên 12 ha với tổng kinh phí đầu tư đã lên gần 5 tỷ đồng. Năm 2019, anh tăng quy mô chăn nuôi gà đen lên 2.000 con/lứa. Hiện anh đang triển khai dự án hợp đồng cung cấp rau xanh, sản lượng 2 tấn/ngày cho một số doanh nghiệp khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ và cả các trường học trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, Phạm Quang Thọ tiếp tục mở rộng trang trại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, anh Thọ cho biết: Anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, tìm kiếm thị trường tiêu sản phẩm và năm 2019 anh phấn đấu mỗi một ngày trang trại của anh phải bán ra thị trường 2 tấn rau, củ quả các loại cho các trường học, các tiểu thương trong và ngoài huyện.
Nói đến mô hình của anh, từ lãnh đạo huyện và xã đánh giá cao và cho rằng đây thực sự là một mô hình nông nghiệp sạch mang tính bền vững, khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân công và thế mạnh cây, con đặc sản của địa phương. Đồng chí Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng bộ xã Lao Chải- huyện Mù Cang Chải cho biết: Mô hình của anh Phạm Quang Thọ tại bản Háng Gàng đã thật sự trở thành một mô hình nông sản sạch của địa phương, tạo công ăn việc làm cho con em là người địa phương, giúp cho nhân dân nâng cao nhận thức về phương pháp chăn nuôi cũng như kỹ thuật trồng các loại cây ăn quả góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Có thể khẳng định rằng, mô hình trang trại của kỹ sư Phạm Quang Thọ đã biến mảnh đất hoang sơ cằn cỗi của bản Háng Gàng, xã Lao Chải ngày càng đổi thay và tạo ra môi trường thực hành chuyên nghiệp, giúp đồng bào học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng thay đổi tập quán trồng trọt, chăn nuôi trong phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, nguồn thu nhập ổn định từ những nhân công là người bản địa làm việc tại trang trại của anh, đã khuyến khích người dân tham gia vào thị trường lao động, xóa bỏ tư tưởng ngại đi làm thuê, nhất là với đồng bào Mông từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân trên vùng cao này./.
A Cớ - A Lù
Tin khác