Ngày 03/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi bộ đội đang tác chiến ở Chiến dịch Thượng Lào, căn dặn các chiến sỹ về sứ mệnh vẻ vang khi thực hiện nhiệm vụ với tinh thần“giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”. 70 năm đã trôi qua, nhưng chân lý ấy vẫn vẹn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người thứ 3 từ trái sang), Hoàng thân Xuphanuvông (người thứ 4 từ trái sang) và các cán bộ quân đội Việt Nam - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào,
năm 1953. (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Ái Quốc, người đầu tiên tìm con đường cứu nước, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, cách mạng Đông Dương và cách mạng giải phóng thuộc địa. Người xác lập cho Đông Dương con đường giải phóng khỏi ách thống trị thuộc địa và xây dựng đất nước theo xu thế của thời đại mới, đó là cách mạng Đông Dương là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; sự nghiệp cách mạng của ba nước Đông Dương do nhân dân ba nước Đông Dương tiến hành. Tinh thần ấy được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: Các dân tộc Đông Dương đều phải chịu chung một ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật, cho nên phải đoàn kết lại để đánh đuổi kẻ thù chung; song, Đảng phải hết sức tôn trọng và thi hành đúng quyền dân tộc tự quyết đối với các dân tộc ở Đông Dương. Sau khi giành được độc lập, các dân tộc sẽ tùy theo ý muốn mà tổ chức thành Liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một quốc gia dân tộc “sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng”[1].
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và quân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào với phương châm giúp bạn là mình tự giúp mình. Tinh thần ấy được thể hiện trong Hội nghị cán bộ về công tác giúp đỡ Lào và Campuchia ( ngày 15-2-1949), quán triệt bốn phương châm của công tác quốc tế với nước bạn là: Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên; nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, do Lào, Miên tự quyết định lấy; không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy; cần giúp đỡ Lào, Miên để bạn tự làm lấy. Quan điểm này của Người được khẳng định trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào. Và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào”[2]. Nhằm giúp cách mạng Lào phát triển nhanh chóng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giúp đỡ xây dựng, củng cố mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy những nhân tố chủ quan của cách mạng Lào. Ngày 11-3-1951, tại Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, Mặt trận đoàn kết liên minh Việt-Miên-Lào được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và Hội nghị cũng bầu ra Ban chỉ đạo chung để điều hành sự phối hợp liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc khi chiến tranh bước sang giai đoạn mới. Bên cạnh việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất và củng cố lực lượng, Người luôn trăn trở xúc tiến thành lập một chính đảng riêng ở Lào.
Ngày 3/4/1953, trong thư gửi cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tác chiến ở Chiến dịch Thượng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”[3]. Quán triệt tinh thần đó của Người, bộ đội, chiến sỹ của Việt Nam luôn nêu cao tinh thần quốc tế, vượt mọi khó khăn, chiến đấu anh dũng để làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tháng 6-1959, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ ở Lào và nêu trách nhiệm to lớn của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Lào; đồng thời Người chỉ dẫn phương hướng phát triển của cách mạng Lào là chuyển sang hình thức vũ trang vì kẻ thù đã dùng vũ trang tấn công cách mạng Lào. Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhất là trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, quan hệ Việt - Lào phát triển đến đỉnh cao mới của hình thức liên minh chiến lược, hai nước chung sức chống đế quốc Mỹ. Mở đầu cho sự hợp tác, giúp đỡ là sự kiện quan trọng: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau (5-9-1962). Sáu tháng sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 10-3-1963, trong buổi chiêu đãi trọng thể Quốc vương Lào nhân dịp sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Vương quốc Lào: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành được độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng của anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”[4]. Phát huy tinh thần đoàn kết đó, quân dân Việt Nam và Lào đẩy mạnh liên minh, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của Việt Nam là niềm cổ vũ to lớn nhân dân lào nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước, thành lập nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1976) ghi nhận và đánh giá cao mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương, nhất là quan hệ Việt Nam - Lào: “ Thắng lợi của chúng ta cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam-Lào và Campuchia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc.”[5].
Đối với nhân dân Campuchia, trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam và Campuchia luôn đoàn kết bên nhau, chia ngọt sẻ bùi chống kẻ thù chung, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Năm 1946, các lực lượng cách mạng ở Nam bộ được những người yêu nước và kháng chiến Campuchia giúp đỡ đã hình thành những căn cứ địa cách mạng ở cả hai biên giới Việt Nam - Campuchia, hình thành hành lang hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Xứ ủy Nam bộ và lực lượng kháng chiến Campuchia. Từ năm 1947, Đảng bộ Cao Miên được hình thành và củng cố, do Sơn Ngọc Minh làm Bí thư kiêm Bí thư Đảng bộ Tây Nam Cao Miên, Phạm Văn Xô làm Phó bí thư toàn Miền kiêm Bí thư Đảng bộ Tây Bắc Cao Miên. Được sự giúp đỡ của Xứ ủy Nam bộ, từ ngày 17 đến ngày 19/4/1950, những người kháng chiến Campuchia đã tiến hành Đại hội, quy tụ 200 đại biểu, đại diện cho toàn quốc, nhất trí đề ra đường lối kháng chiến trường kỳ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thành lập và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, củng cố Liên minh Việt - Miên - Lào. Đại hội bầu ra Ủy ban Dân tộc Trung ương tức Chính phủ kháng chiến Campuchia, do Sơn Ngọc Minh làm Chủ tịch; đồng thời thành lập Mặt trận Khmer Ixarắc. Tiếp đó, được sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ, ngày 19/6/1951 quân đội Ixarắc thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang trong toàn quốc thành quân đội cách mạng. Đặc biệt là sau Đại hội kết thúc nhiệm vụ lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2/1951), Xứ ủy Nam bộ tiếp tục giúp đỡ những người cộng sản Campuchia củng cố, phát triển các cơ sở Đảng Cộng sản ở Campuchia. Trên cơ sở đó, tháng 7/1951, Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản toàn Campuchia đã quyết định thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để tăng cường chi viện cho các chiến trường Nam Đông Dương cùng phối hợp kháng chiến, Đảng Lao động Việt Nam hình thành Ban tiếp vận Trung ương, làm nhiệm vụ tiếp vận bằng đường biển từ Bang Kok (Thái Lan) qua Campuchia về các quân khu Nam Trung bộ và Liên khu 5; trong đó có Đoàn chi viện cho cách mạng Campuchia, do Nguyễn Thanh Sơn (Xứ ủy Nam bộ) phụ trách và Sơn Ngọc Minh (Campuchia) là Ủy viên. Đặc biệt, từ năm 1959 đến năm 1970, Campuchia đã cho phép hàng hóa chi viện từ miền Bắc vào miền Nam được quá cảnh qua cảng Xihanucvin và từ cảng này lên miền Đông Nam bộ. Trung ương Cục miền Nam và lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam cùng các lực lượng cách mạng Campuchia từ năm 1965 đến tháng 3/1970 đã phối hợp hoạt động giữ vững hành lang chiến lược chi viện hàng trên đất Campuchia, duy trì chế độ chính trị trung lập của Campuchia, chống chiến lược Chiến tranh Cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Từ tháng 3/1970 đến tháng 4/1975, với sự giúp đỡ của Trung ương cục miền Nam và Quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã từng bước xây dựng lực lượng cách mạng và phối hợp với Việt Nam kháng chiến chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai. Ngày 30/4/1975, quân dân Việt Nam đã tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam. Việt Nam và Campuchia đã cùng hoàn thành sự nghiệp cách mạng chống chiến tranh xâm lược thực dân mới, bảo vệ thành quả cách mạng của mỗi nước.
Tháng 4/1975, Tập đoàn PolPot tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng tàn bạo đối với nhân dân Campuchia. Chỉ từ tháng 4/1975 đến cuối năm 1978, chế độ diệt chủng PolPot đã giết hại gần 3 triệu người Campuchia vô tội, xóa bỏ mọi cơ sở xã hội, thành thị, sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp,…đẩy đất nước Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Trước tình thế nguy cấp đó, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Việt Nam đã đưa quân sang giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng PolPot vào ngày 7/1/1979, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi học diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, hồi sinh đất nước. Hành động giúp đỡ của Việt Nam luôn thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản trong sáng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình”. Sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đối với cách mạng Campuchia là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, vô tư, trong sáng, đúng như lời của Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin “Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất. Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Polpot”[6].
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, giúp bạn là mình tự giúp mình, trong công cuộc đổi mới của mỗi nước hơn 30 năm qua, Việt Nam, Lào, Campuchia đều giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quan hệ hợp tác, hữu nghị, đặc biệt gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước được đẩy mạnh và không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng khởi sắc, tạo nền tảng vật chất để liên kết và củng cố quan hệ. Trong bối cảnh mới, trước những biến động phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, Việt Nam - Lào - Campuchia đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu tập trung mọi nỗ lực nhằm nâng quan hệ hữu nghị truyền thống tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện lên tầm cao mới.
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, tập 7, tr 113.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXBCTQG, H, 2001, tập 12, tr 36.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr105.
[4] Diễn văn chào mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đón tiếp vua Lào đến thăm nước Việt Nam Dân Chủ cộng hoà, ngày 10-3-1963. Báo Nhân Dân, ngày 11-3-1963.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, NXB CTQG, HN, 2004, tr 475.
[6]https://www.vietnamplus.vn/chien-thang-pol-pot-thang-loi-cua-tinh-doan-ket-viet-namcampuchia/767082.vnp, truy cập ngày 29/3/2023.
TS Dương Minh Huệ - Ths Cao Duy Tiến
HỌC VIỆN CTQG HỒ CHÍ MINH
Theo Hochiminh.vn
Thanh Huyền (st)
Tin khác