Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc địa phương vào các tiết học và các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Tiết mục múa khèn mừng Đảng mừng xuân năm 2023
Để xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc” trong trường học. Thời gian qua, trường PTDTBT - TH&THCS xã Mồ Dề đã thực hiện lồng ghép chương trình giáo dục địa phương theo hình thức tích hợp trong một số môn học, hoạt động ngoại khóa truyền dạy cho học sinh về thổi khèn, múa khèn; thổi sáo; thêu dệt thổ cẩm. Qua đó, nhằm góp phần giúp các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh hiểu và yêu quý những nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình, hướng tới xây dựng một môi trường giáo dục phát triển toàn diện. “Thầy giáo Phạm Minh Dũng - Hiệu trưởng trường PTDTBT- TH&THCS xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải cho biết. Để duy trì, giúp cho thế hệ trẻ và giúp cho các em học sinh trong trường có kỹ năng hoạt động văn hóa, văn nghệ được tốt hơn. Trường PTDTBT – TH&THCS xã Mồ Dề luôn xác định việc giáo dục, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, đơn vị nhà trường đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” giai đoạn 2021 – 2025”.
Việc triển khai xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc” được tổ chức thường xuyên qua các tiết học, hoạt động ngoại khoá tại trường đã trang bị cho các em học sinh những kiến thức bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh tích cực hơn khi tham gia học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nên đa phần các em học sinh ai nấy đều cảm thấy tự hào và phấn khởi. Em Giàng A Súa - Học sinh lớp 9A1, trường TH&THCS xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải tâm sự. “Trong quá trình tham gia học tập tại trường chúng em được tham gia và trải nghiệm các tiết học, các buổi ngoại khóa về múa khèn của dân tộc mình. Qua đó, em thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực, để giúp em hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình”
Cũng như các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Để mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc” phát huy hiệu quả. Trường Phổ thông dân tộc Bán trú TH&THCS xã Chế Cu Nha đã làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương. Đặc biệt là hội cha mẹ học sinh tích cực cùng với nhà trường trong việc tham gia hướng dẫn các em học sinh tham gia các buổi ngoại khoá tổ chức vẽ hoa văn trên vải bằng sắp ong, thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc…Thông qua đó, nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức và trân quý những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình. Chị Lý Thị Ninh – Tổ trưởng tổ hợp tác dệt thêu thổ cẩm bản Dề Thành, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cho biết. "Trong thời gian qua, bản thân tôi đã kết hợp với đơn vị nhà trường để tổ chức các buổi ngoại khóa truyền đạt các kiến thức cho học sinh về những họa tiết họa văn trên vải thổ cẩm. Qua đó, để giúp các em có thêm những kiến thức trong việc thêu thùa và trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc mình”
Đối với em Khang Thị Dông học sinh lớp 9, Trường PTDTBT - TH&THCS xã Chế Cu Nha, ngoài được các thầy cô giáo truyền đạt kiến thức ra, em còn được tham gia trải nghiệm thực tế qua các buổi ngoại khóa về vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong; thêu dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Qua đó đã giúp em hiểu càng thêm yêu quý và trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc thông qua từng đường kim, mũi chỉ, từng họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống của mình, em Khang Thị Dông phấn khởi chia sẻ. “Thông qua những buổi ngoại khóa như này, đã giúp cho em biết thêu thùa, nhất là những họa tiết, từng đường kim mũi chỉ trên nền hoa văn hoa thổ cẩm, giúp em hiểu và yêu quý hơn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”
Mù Cang Chải là huyện vùng cao với trên 95% là đồng bào dân tộc Mông. Theo đó, việc xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Dân tộc” là việc làm rất ý nghĩa và thiết thực. Do vậy, để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh các đơn vị trường bán trú trên địa bàn huyện biết trân quý những nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh các bài giảng, hoạt động ngoại khoá, thì thư viện, phòng truyền thống của nhà trường cũng phải là nơi cần lưu giữ, là kênh truyền tải những giá trị văn hoá để phát huy được hiệu quả mô hình. Thầy giáo Hoàng Tiến Thịnh - Hiệu trưởng trường PTDTBT - TH&THCS xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải cho biết thêm. “Trong thời gián tới đơn vị nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với Hội phụ nữ xã, nhất là tổ hợp tác dệt thêu thổ cẩm của xã để hướng dẫn các em học sinh thêu thùa, vẽ sáp ong để bảo tồn bền vững những giá trị, nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc Mông”.
Có thể thấy, việc xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” là việc làm thiết thực, qua đó không chỉ giúp học sinh dân tộc các đơn vị trường học nâng cao ý thức lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần giúp các em bồi đắp nhân cách sống, có trách nhiệm với gia đình, quê hương; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc./.
Hồng Mỷ - A Lù
Tin khác