Là địa phương có hàng nghìn cây di sản và khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải, thời gian qua huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo Ban quản lý cùng các địa phương làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng như số lượng cây di sản trên địa bàn. Qua đó đã tạo cho khu vực có cảnh quan thiên nhiên cùng thảm thực vật, động vật phong phú, đa dạng, hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho những du khách thích trải nghiệm và khám phá.
Rừng cây thiết sam cổ thụ sừng sững tại khu vực Tà Cay Đằng bản Nả Háng, xã Chế Tạo.
Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo – Mù Cang Chải nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình, với tổng diện tích trên 20.290ha. Khu bảo tồn là một vòng cung được tạo thành bởi một hệ thống núi cao từ 1.700 – 2.500m, bao quanh xã Chế Tạo và vùng đầu nguồn của sông Nậm Chai, đây là khu vực rừng phòng hộ lưu vực hệ thống Sông Đà. Với diện tích rộng và thảm thực vật phong phú thời gian qua cùng với Ban quản lý khu bảo tồn, Nhân dân xã Chế Tạo đã thành lập các tổ tuần tra với mong muốn làm tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ diện tích khu bảo tồn cũng như số lượng cây di sản trên địa bàn. Để làm được điều đó cứ điều đặn mỗi tháng 2 tổ tuần tra do người dân bầu lên phải thường xuyên thay phiên nhau và trực tiếp vào tuần tra trong rừng. “Để làm tốt công tác tuần tra, chúng tôi đã tuyên truyền cho bà con trong bản đóng góp kinh phí bằng nguồn xã hội hóa, từ đó đã giúp 2 tổ có thêm kinh phí để tham gia tuần tra kiểm tra rừng nên tình trạng chặt phá rừng đã không còn như trước”. Ông Giàng A Lồng – Bí thư Chi bộ bản Chế Tạo, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải nói.
Kiểm lâm cùng các lực lượng khác cán biển cây di sản tại Tà Cay Đằng
Không chỉ khu vực Tà Cay Đằng mà cả xã Chế Tạo là địa phương có tổng diện tích trên 23.000ha, diện tích đất có rừng trên 20 nghìn, trong đó 18 nghìn là rừng nằm trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh huyện Mù Cang Chải, với nhiều loài động thực vật phong phú, đa dạng, các quần thể động thực vật phong phú và quần thể cây di sản Pơ Mu, Thiết Sam đông bắc đã được giao trực tiếp cho gần 100 hộ dân của bản Chế Tạo xã Chế Tạo quản lý bảo vệ, cùng với việc bảo vệ thì mỗi năm Nhân dân xã Chế Tạo được nhận gần chục tỷ đồng tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng. Vì vậy để làm tốt công tác quản lý quần thể cây di sản và khu bảo tồn, xã đã chủ động tham mưu với Ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh huyện, tuyên truyền vận động Nhân dân bản và xã Chế Tạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, trên tinh thần tự nguyện của mỗi gia đình. “Với diện tích cây Thiết Sam, Pơ Mu ở nhiều khu vực trên toàn địa bàn xã đã giao cho bản Chế Tạo và các bản khác cử lực lượng tham gia tuần tra, kiểm tra thường xuyên cùng với đó còn tuần tra tại các điểm giáp danh để đảm bảo diện tích rừng không bị chặt phá hay hủy hoại”. Ông Giàng A Hùa – Phó Chủ tịch UBND xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải cho biết.
Người dân cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, khu bảo tồn loài sinh cảnh huyện Mù Cang Chải tại xã Chế Tạo được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất bởi còn khá nguyên vẹn với nhiều loài cây lá rộng, lá kim và thảm thực vật phong phú cùng 788 loài thực vật bậc cao; Trên 3.000 cây pơ mu mọc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Chế Tạo, hầu hết từ 100 – 700 năm tuổi; một số cây có đường kính trên 2m, trong đó trên 1.000 cây có đường kính từ 1- 3m, chiều cao từ 15- 30 m. Đã thu hút nhiều đoàn đến khám phá và định hướng mở các tuor du lịch trải nghiệm cho du khách tại đây. “Thời gian tới chúng tôi sẽ mở các cung đường va kết nối các điểm đẹp để tạo cho du khách đến trải nghiệm, ngoài ra chúng tôi còn tổ chức các tuor khám phá và kết nối với các điểm du lịch khác để du khách đến thăm quan trải nghiệm”. Anh Giàng A Dê – xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Những cây Pơ Mu, Thiết Sam sừng sững tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo.
Đặc biệt trên phần đỉnh núi phía đông có một thung lũng rộng gần 240h, rất bằng phẳng kiểu rừng hỗn giao lá rộng, lá kim á nhiệt đới với một số loài cây ưu thế như: Thiết Sam, Bông Sứ, Re Hương, Sồi Lào có đường kính 2 – 3m. Ngoài ra, tại đây còn có 221 loài, 162 giống, 61 họ thuộc hệ động vật có xương sống trên cạn; trong đó có 53 loài thú, 130 loài chim, 26 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư... nơi đây còn một số đàn vượn đen tuyền và nhiều loài động thực vật quý hiếm khác đang được cấp ủy, chính quyền và người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt tại khu vực này có quần thể thiết sam đông bắc và Pơ Mu vừa được công nhận cây di sản nên việc tuần tra, bảo vệ càng nghiêm ngặt. Sự đa dạng phong phú đó đã được nhiều người dân đánh giá cao và trực tiếp tham gia khảo sát đánh giá chất lượng rừng cũng như có kế hoạch mở các tuor tuyến cho du khách đến thăm quan. "Bản thân tôi đã đi nhiều khu vực rừng của Miền Bắc nhưng đây là khu vực rừng còn nguyên vẹ và chất lượng rừng rất tốt, cảnh còn hoan sơ, cây cối nhiều năm tuổi và đẹp nhất so với các cahs rừng tôi đã đi. Đặc biệt là tại khu vực Tà Cay Đằng này vẫn còn nhiều quần thể cây quý hiếm, cây di sản Việt Nam nen việc bảo tồn còn rất tốt”. Anh Thào A Kỷ - xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đánh giá thêm.
Với sự nỗ lực cố gắng của người dân cũng như cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển cây di sản, cũng như bảo vệ rừng, đã tạo môi trường sinh thái trong lành, hướng tới phát triển khu vực thành địa điểm thăm quan du lịch sinh thái trong tương lai, góp phần vào xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch “Xanh, hài hòa, bản sắc văn hóa” theo đúng tinh thần Nghị quyết DDại hội DDảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
A Lù
Tin khác