Sáng 10/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu Mù Cang Chải có đồng chí Sùng A Chua - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện; lãnh đạo các ngành liên quan, các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch của 14 xã, thị trấn.
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, năm 2023, ở nước ta, xảy ra thời tiết cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình). Mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã vào cuộc triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhưng thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức lớn. Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tại Việt Nam trong năm 2023, thiên tại đã làm 1.129 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã điều động 204.507 lượt người/23.132 lượt phương tiện ứng phó, xử lý hiệu quả 4.336 vụ, cứu được 3.968 người, 207 phương tiện; hướng dẫn, hỗ trợ di dời 962.933 người, 201.799 phương tiện từ nơi nguy hiểm về nơi an toàn; đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 328.227 tàu/1.608.015 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão; tổ chức xử lý các sự cố lớn như cháy chung cư mini tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội; cứu nạn các ngư dân trên 02 tàu cá Quảng Nam bị chìm ngày 17/10, tàu cá Quảng Ngãi bị đâm va ngày 21/4,... đã cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tổ chức lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tổng số trạm chuyên dùng đến tháng 3/2024 là 2.552 trạm.
Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7- 9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và ATNĐ trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông; 05-07 cơn đổ bộ vào đất liền), tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão; lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và các sông suối nhỏ Bắc Bộ ở mức BĐ2-3; nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.
Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cũng như các giải pháp lâu dài trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với huyện Mù Cang Chải theo báo cáo thực hiện công tác phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã hứng chịu nhiều đợt thiên tai, trong đó có trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngày mùng 5/8 tại các xã khu 4 làm thiệt hại ước tính trên 400 tỷ đồng.
Một số hình ảnh tại hội nghị
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, huyện Mù Cang Chải đã huy động các lực lượng tại chỗ và đề nghị với tỉnh kịp thời cử lực lượng tham gia hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng, nhanh chóng khắc phục các tuyến đường, vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân trong vùng lũ nhanh chóng ổn định lại đời sống người dân bước đầu. Cùng với đó kịp thời rà soát quỹ đất, hỗ trợ tiền và các điều kiện khác cho người dân làm lại nhà cửa ổn định đời sống. Cụ thể Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Ban tiếp nhận cứu trợ huyện đã tiếp nhận được 9 tỷ 319 triệu 103 nghìn đồng. Trong đó các đoàn đi trao trực tiếp là: 6 tỷ 453 triệu 176 nghìn đồng; Hỗ trợ chung cho huyện để khắc phục là 2 tỷ 865 triệu 927 nghìn đồng; tiếp nhận 13.906 kg gạo, cùng một số nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn'.
Trong năm 2024 huyện Mù Cang Chải sẽ phát huy tinh thần đoàn kết của Nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để cùng triển khai đối phó; Cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ huy điều hành và nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân chủ động phòng, tránh đối phó hiệu quả với thiên tai; Công tác dự báo cảnh báo và tuyên truyền phổ biến kiến thức về lũ quét sạt lở đất và cách phòng, tránh cho người dân để người dân phải tự ý thức được nơi ở của mình có an toàn hay không; Nâng cao tính chủ động của mỗi người dân, lập tức di chuyển đi khi có lệnh của chính quyền địa phương, tuyệt đối không quay lại để bảo vệ tài sản; Thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác PCTT- TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” và phân công nhiệm vụ rõ ràng cụ thể từng người đảm nhiệm từng công việc, tránh chồng chéo. Đồng thời phối hợp tốt với cơ quan truyền thông để kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ tốt công tác lãnh chỉ đạo của cấp trên, góp phần định hướng dư luận, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương. Xây dựng phương án dự phòng khi hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Phát huy cao vai trò của các cơ quan, tổ chức đoàn thể các cấp với người dân trong công tác PCTT - TKCN./.
A Đảng
Tin khác