Vùng cao Nậm Khắt áp dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững.
18/07/2024 8:29:00 SA
390 lượt xem
In Đọc bài

 Thực hiện công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc hỗ trợ Nhân dân ứng dụng tiến bộ KHKT luôn được huyện Mù Cang Chải quan tâm chỉ đạo, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích đất canh tác, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được huyện thực hiện thông qua nhiều hình thức như: đưa cây con giống mới vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại những trái ngọt nông sản trên mảnh đất ruộng bậc thang. Tạo nguồn thu nhập để người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Cấp ủy chính quyền xã đến thăm mô hình trồng hồng giòn của ông Thào Nhà Của bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt.

 Gia đình ông Thào Nhà Của, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải có hơn 1ha đất vườn, ông Của đã từng trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Tuy vậy cây chỉ có tác dụng giữ đất chống xói mòn, rửa trôi và khỏi để vườn trống chứ không mang lại nhiều về kinh tế. Những năm trước, khi địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông Của cùng các con đã mạnh dạn tham gia dự án trồng thử nghiệm giống hồng giòn Fuyu. Sau một thời gian gắn bó với hơn 80 gốc hồng, ông Của đã nhìn thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ loại cây này. Mỗi năm trung bình gia đình ông thu trên 2 tấn quả với giá bán từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Riêng năm nay ông Của dự kiến sẽ thu hoạch trên 3 tấn hồng giòn. Chìa khóa để cây Hồng giòn phát triển khỏe mạnh trên mảnh đất này chính là nhờ ông Của đã áp dụng KHKT trong trồng, chăm sóc cây hồng giòn. "Gia đình được Đảng, Chính phủ mang cây hồng giòn về, tôi đã mạnh dạn trồng và nhân rộng cây qua các năm. Cây hồng này rất sai quả. Từ năm thứ 3 trồng đã cho quả. Mỗi cây thu hoạch khoảng 40 đến 50 kg, 5 - 6 quả là được 1kg rồi, quả to, ăn rất giòn và ngọt. Giá bán cao lắm, mà còn không có nhiều để bán. Để quả to, ngọt mình phải chăm sóc, bón phân cho cây, không được phun thuốc hóa học, chỉ phát hiện sâu rồi diệt bằng thủ công thôi". ông Thào Nhà Của - Bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt cho biết.

 

Ông Thào Nhà Của kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của Hồng giòn.

 Từ một loại cây khi mới được đưa vào trồng người dân còn hoài nghi, ngờ vực về hiệu quả thì đến nay hồng  giòn Fuyu đã được nhiều gia đình tại xã Nậm Khắt lựa chọn là loại cây phát triển kinh tế. Hiệu quả của giống quả này không chỉ ở việc nó là loại cây mới có đặc tính phù hợp với tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương mà còn góp phần nâng cao trình độ thâm canh, chăm sóc của người dân đối với cây ăn quả. Các hộ đều đã chú trọng đến việc lựa chọn cây giống, trồng đúng quy định về khoảng cách, bón phân định kỳ, cắt tỉa cành lá hay thu hoạch đúng thời điểm, nhờ đó góp phần nâng cao được năng suất, chất lượng của giống hồng Nhật này.

 Tận dụng điều kiện tự nhiên của xã Nậm Khắt nằm trên độ cao 1.400m so với mực nước biển, với nhiệt độ trung bình 17 - 18 0c, ngày vẫn có nắng nhẹ, trời lạnh, cuối năm 2022 HTX Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đã xây dựng trại nuôi trồng nấm. Đến nay trại nấm có quy mô gần chục nghìn m2  cung ứng ra thị trường trên 200 tấn nấm hương thương phẩm mỗi năm. Công ty với những nhân lực chủ chốt là người dân ở địa phương đã được tham gia các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng, chăm sóc nấm hương. Theo đó, nấm hương là loại nấm không hề dễ trồng, yêu cầu điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cho đến môi trường sống phải đạt điều kiện tiêu chuẩn. Để trồng nấm hiệu quả, các kỹ sư, công nhân công ty đã lựa chọn những loài cây không có tinh dầu để làm giá thể trồng nấm, không chứa các chất độc tố dầu mỡ, hóa chất, đồng thời thực hiện tốt về quy trình kỹ thuật nuôi cấy nấm.

 

Xã Nậm Khắt thăm mô hình nấm của Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu trên địa bàn xã.

 Quá trình nuôi trồng nấm, Công ty áp dụng KHKT trong từng công đoạn. Để duy trì độ ẩm cho quả thể nấm sinh trưởng và phát triển, khác với các loài khác, nấm được tưới nước trực tiếp lên bề mặt thì Công ty, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các công nhân sử dụng các dụng cụ cung cấp nước trực tiếp vào thân bịch nấm hương. Công việc này vừa đòi hỏi sự tỷ mỷ, mất nhiều thời gian, thường xuyên liên tục mà còn đòi hỏi công nhân có tay nghề định lượng lượng nước phù hợp. "Các giá thể bằng mùn gỗ băm và tất các các loại gỗ tạp, trừ gỗ có tinh dầu, pha trộm tùy từng loại nấm, khử trùng bằng cách hấp bịch phôi, quá trình chăm sóc thì tập trung chăm sóc và thoe dõi hàng ngày để không bị hỏng. Để các phôi nấm đảm bảo thì hợp tác xã sử dụng kim kích nước và định lượng theo gam làm sao cho vừa với từng bịch phôi để các bịch phôi nấm ra quả thể đảm bảo" Anh Hoàng Văn Nối - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải chia sẻ.

 

Công nhân đang tập trung hái nấm bán ra thị trường.

 Thời gian bắt đầu đóng bịch phôi cho đến khi hết thời gian thu hoạch của một bịch nấm dao động từ 7 đến 7,5 tháng, trong đó có khoảng 2,5 tháng là thu hoạch nấm. Hiện nay Công ty TNHH sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải duy trì khoảng 50 nghìn bịch phôi nấm/năm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để sản lượng đạt khoảng 4 lạng/bịch phôi. Không chỉ mang về nguồn thu nhập cao cho các thành viên mà còn tạo công ăn việc làm cho từ 15 đến 20 lao động, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm cho nhiều hộ dân tại địa phương.

 Trồng nấm ăn, nấm dược liệu hay nhân rộng và phát triển giống hồng giòn chỉ là 2 trong nhiều cách làm được xã Nậm Khắt tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện để phát triển kinh tế. Với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên cơ sở áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào thâm canh, địa phương này đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng thu nhập bình quân cho người dân đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 77 hộ chiếm 12,47%, phấn đấu hết năm 2024 xã Nậm Khắt về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện. "Hàng năm xã có kế hoạch triển khai mạnh về áp dụng KHKT và chuyển đổi từ cây lúa sang trồng một số loại cây cho năng suất cao như nấm, rau, hồng giòn, hoa hồng, củ quả sạch để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Nhất là từ năm 2021 đến nay xã đã tạo mọi điều kiện cho các hợp tác xã, người dân có cơ hội chuyển đổi và phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn có hiệu quả, tạo nguồn thu cho người dân cũng như các hợp tác xã". Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, cho biết thêm.

 Cũng thực hiện đưa KHKT vào sản xuất, những năm qua các hộ dân ở xã Púng Luông đã tích cực đưa cây con giống và phương pháp canh tác mới vào sản xuất, thông qua việc tham gia các lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức. Nhờ nâng cao kiến thức, tiếp cận với các kỹ thuật tiến bộ nhiều hộ đã vận dụng vào phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả ngay tại gia đình. "Xã Púng Luông có 8 bản, trong đó đa số là đồng bào dân tộc Mông chủ yếu phát triển nông nghiệp, xã có thế mạnh chủ yếu là cây chè và cây Lê trong những năm qua để người dân phát triển tốt các loại này đã thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân để người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho đạt hiệu quả cao'' Anh Giàng A Lềnh - Phó Chủ tịch UBND xã Lúng Luông, cho biết.

 Với điều kiện khí hậu mang sắc thái của tiểu vùng cận ôn đới, cộng với những nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Mông, người dân ở xã Púng Luông đã đưa cây lê, chủ yếu là giống lê Tai Nung vào trồng. Nhờ hợp với khí hậu thổ nhưỡng nên loại cây này phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cho các hộ nông dân trồng lê.

 

Anh Mùa A Mạnh cùng vợ tập trung hái lê bán ra thị trường.

 Gia đình anh Mùa A Mạnh, thôn Nả Háng Tùa Chử hiện có 4ha lê, trong đó có 2ha đang cho thu hoạch. Để vườn lê sai quả, có chất lượng ngọt, hàm lượng, chất cao, gia đình anh Mạnh đã lựa chọn trồng lê trên những quả đồi đón được nhiều ánh nắng. Đồng thời chăm sóc cây, bổ sung phân bón theo từng giai đoạn từ khi cây ra lộc, ra hoa, đến khi đậu trái và thu hoạch. Nhờ các kiến thức được học hỏi mà anh Mạnh tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để trồng lê mỗi năm vườn thu hái khoảng gần 8 tấn, với giá bán từ 15 đến 30 nghìn đồng/kg, đem về thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. "Trong quá trình trồng Lê, Tôi có học hỏi kinh nghiệm trên mạng và được tham gia tập huấn các lớp dậy nghề của huyện từ đó về áp dụng vào thực tế để chăm sóc, bón phân và phát triển cây lê cũng như các khâu và giai đoạn phát triển quả cho đảm bảo" Anh Mùa A Mạnh, Bản Nả Háng Tùa Chử, xã Púng Luông, tâm sự.

 Là một huyện vùng cao thuộc diện khó khăn nhất cả nước, người dân ở huyện Mù Cang Chải gắn bó với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.  Tuy vậy, địa phương này gặp những khó khăn về địa hình bị chia cắt mạnh, thêm vào đó trình độ, kỹ thuật, thâm canh của người dân còn hạn chế. Khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, huyện Mù Cang Chải  xác định một trong những giải pháp chính để phát triển nông nghiệp là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra những chuyển biến trong canh tác và nâng cao chất lượng các loại sản phẩm trên địa bàn. Giải pháp đó đã được các địa phương cụ thể hóa thành từng mô hình sản xuất hiệu quả. Từ những ví dụ cụ thể về trồng nấm hay phát triển cây lê, hồng giòn vào sản xuất ở trên địa bàn huyện, cho thấy vai trò then chốt của KHKT đối với phát triển nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt là đối với những địa bàn kinh tế còn khó khăn, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Khoa học và kỹ thuật đã giúp người dân vùng cao thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng quy trình kỹ thuật hợp lý, điều nay không chỉ nhằm tăng năng suất, mở ra những hướng đi mới cho sản xuất  mà còn an toàn cho sức khỏe và môi trường.

A Lù

đã tặng

Các tin khác:

1-5 of 3817<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Liên kết