Chủ động bám sát kế hoạch chỉ đạo từ huyện, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, đoàn thể, những năm qua xã Púng Luông đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây chính là “Đòn bẩy” giúp kinh tế - xã hội của xã không ngừng được phát triển về mọi mặt.
Anh Mùa A Cơ chăm sóc, tỉa cành vườn lê của gia đình
Đến thăm mô hình trồng lê của gia đình anh Mùa A Cơ ở bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông với hơn 3 ha đất nông nghiệp trước đây chủ yếu trồng ngô, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2021, sau khi được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón gia đình anh chuyển đổi diện tích trên sang trồng các loại lê như: Lê Hoành Sơn, VH6 và lê Mật Tuyết. Sau hơn 3 năm trồng, đến nay vườn lê của gia đình anh đã bước đầu thu hoạch. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này, anh Cơ đang tập trung tỉa cành, bón phân, làm cỏ để giúp vườn lê phát triển, hứa hẹn sẽ có một mùa thu hoạch quả đạt năng xuất và chất lượng. Anh Mùa A Cơ ở bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải chia sẻ. “Trước đây toàn bộ diện tích này, gia đình tôi chỉ trồng ngô phục vụ cho việc chăn nuôi và lợi nhuận kinh tế thấp. Do đó, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng lê, bởi trồng lê không vất vả trong khâu chăm sóc mà lại đem lại hiệu quả kinh tế. Tranh thủ lúc nhàn rỗi tôi đang tập trung chăm sóc, bón phân và tỉa cành để tạo thêm nguồn dinh dưỡng cho cây, giúp cây lê phát triển”
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Bùi Văn Toản ở Ngã Ba Kim, xã Púng Luông đã thuê đất bỏ không của một số hộ dân trên địa bàn để trồng cây su su lấy ngọn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, anh Toản đã trồng 3ha cây su su lấy ngọn và có 2ha đã cho thu hoạch với tổng kinh phí đầu tư gần 600 triệu đồng. Hơn 2 năm trồng cây su su lấy ngọn, sau khi trừ chi phí tất cả chi phí, vườn su su đã mang lại cho gia đình anh Toản có nguồn thu nhập ổn định từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương chuyên chăm sóc và thu hái ngọn su su, với mức thu nhập từ 3 – 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Bùi Văn Toản – Ngã Ba Kim, xã Púng Luông tâm sự. “Su su là một cây nông nghiệp rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của xã Púng Luông và thu nhập từ cây này rất ổn định. Theo đó, để đáp ứng nhu tiêu dùng của thị trường trong 2 năm qua, gia đình tôi đã tập trung trồng cây su su lấy ngọn để bán ra thị trường”.
Nhân dân thu hái ngọn su su
Những năm qua, để giúp người dân trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực từ Trung ương tới địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thì Cấp ủy, chính quyền xã Púng Luông đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, tập trung đưa cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương lân cận để giúp người dân địa phương đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay xã Púng Luông đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại năng xuất, chất lượng kinh tế cao, giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định. Đồng chí Lý A Tủa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải cho biết: “Vài năm trở về đây, để giúp người dân phát triển kinh tế, xã Púng Luông đã đưa ra các nghị quyết trọng tâm trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đến mô hình trồng lê, su su, dưa leo và triển khai thực hiện hơn 5 ha củ kiệu, tạo điều kiện để giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống”
Với những giải pháp tích cực thời gian tới, xã Púng Luông tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết trong thực hiện các chính sách dân tộc, các Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai có hiệu quả các nghị quyết, đề án của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân./.
Hồng Mỷ - Nguyễn Ly