Nuôi chim bồ câu hướng đi mới cho nông dân Mù Cang Chải xóa đói giảm nghèo bền vững.
18/07/2024 8:41:00 SA
476 lượt xem
In Đọc bài

 Mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp đang đem lại hiệu quả cao cho nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh do chi phí đầu tư không lớn, ít chịu nhiều rủi ro. Đây cũng là mô hình được gia đình  anh Hờ A Sùng, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chọn để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thăm mô hình nuôi Bồ Câu của anh Hờ A Sùng bản Dề Thàng xã Chế Cu Nha.

 Là người trẻ tuổi, tiếp cận nhiều với internet, qua tìm hiểu anh Hờ A Sùng, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải nhận thấy nhiều mô hình làm giàu ở miền xuôi nhờ nuôi chim bồ câu. Nghĩ là làm anh mạnh dạn bàn với gia đình vay mượn vốn đầu tư vào xây dựng chuồng trại để nuôi chim. Năm 2020 anh Sùng khởi nghiệp với vài chục cặp chim bồ câu. Vừa làm vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, những lứa chim đầu tiên do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên anh Sùng đã gặp không ít khó khăn. Dần dần anh đúc rút ra bài học về lựa chọn giống bồ câu. Nếu như trong dân ở địa phương thường nuôi bồ câu ta có sức đề kháng cao nhưng trọng lượng thấp, thời gian nuôi dài, còn giống bồ câu pháp được nuôi nhiều ở miền xuôi thường có trọng lượng lớn, nhiều thịt, thời gian nuôi ngắn song sức đề kháng lại kém hơn. Anh Sùng đã lựa chọn cho mình hướng đi mới là gắn bó với giống bồ câu lai mang nhiều ưu điểm của cả 2 giống trên, nhờ đó tiếp cận nhanh với thị trường. "Khi bắt đầu nuôi tôi đã lựa chọn giống bồ câu lai từ pháp và ta vì giống này khỏe nuôi con tốt, ít bị bệnh nên rất phù hợp. Cùng với đó để phát triển đàn tôi đã được cơ sở đoàn giới thiệu vay 90 triệu để phát triển và nhân rộng mô hình"  anh Hờ A Sùng Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, tâm sự.

 Để nuôi chim bồ câu có hiệu quả, anh Sùng áp dụng mô hình nuôi nhốt để bồ câu được cách ly với môi trường, mầm bệnh bên ngoài nên khả năng bệnh dịch càng giảm. Bên cạnh đó, chim bồ câu lai không kén ăn, có thể ăn tất cả các loại ngũ cốc như thóc, gạo, ngô, các loại đậu và đặc biệt là có thể cho ăn xen cám viên để tăng năng suất. Tích luỹ kiến thức thông qua sách vở và các phương tiện truyền thông đại chúng, anh Sùng đã xây dựng cho mình một quy trình nuôi chim bồ câu khoa học. Về chuồng trại đựơc xây dựng thoáng mát, lựa chọn lồng nuôi kiên cố, có đẩy đủ máng thức ăn và hệ thống máng uống nước tự động. Quá trình nuôi quan trọng nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường và kiểm soát các dịch bệnh thông thường mà chim bồ câu gặp phải như bại liệt, tụ huyết trùng. "Riêng về chăn nuôi nói chung và bồ câu nói riêng thì phòng bệnh là rất quan trọng và các điều kiện như: nước, thức ăn phải đảm bảo, không để chua nước thức ăn phải đủ dinh dưỡng, thứ 2 phải khử trùng thường xuyên để hạn chế mần bệnh"  anh Hờ A Sùng, Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, chia sẻ.

 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và đồng chí Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên thăm mô hình nuôi Bồ Câu của anh Hờ A Sùng  bản Dề Thàng xã Chế Cu Nha.

 Để chim bồ câu phát triển, anh Sùng kết hợp cho ăn cám công nghiệp với ngô, gạo xay trộn, đồng thời bổ sung thêm khoáng, vitamin và can xi, và đặc biệt là tiêm văcxin phòng trừ dịch bệnh theo mùa. Nuôi chim bồ câu không vất vả, mỗi ngày anh Sùng dành khoảng 2 đến 3 tiếng chăm sóc chim bồ câu và dọn dẹp chuồng trại. Đặc biệt anh chú trọng đến chăm sóc bồ câu non và chủ động mua máy ấp trứng để cung cấp con giống có chất lượng cho việc nhân đàn. "Đối với Bồ câu thì có con đẻ rất tốt nhưng ấp lại không tốt hoặc đẻ và ấp đều tốt nên tôi phải thường xuyên quan sát lựa chọ ra từ đó lựa ra con chuyên ấp hoặc chuyên đẻ để không bị ảnh hưởng tới sự phát triển đàn"  anh Hờ A Sùng, Bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha cho biết thêm.

 

Hội Liên hiệp các nhà khoa học tỉnh Yên Bái thăm mô hình nuôi bồ câu của  anh Hờ A Sùng

 Thời gian từ ấp trứng đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi có thể bán là 45 ngày, một con chim bồ câu nuôi khoảng 6 đến 8 tháng là bắt đầu sinh sản. Một cặp bồ câu có thể đẻ tới 7-8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng.  Với giá bán trên thị trường hiện nay là 160 nghìn 01 đôi chim ra ràng và 260 nghìn 01 đôi chim bồ câu giống, trung bình với 100 cặp chim trừ các chi phí cho lãi khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay anh Sùng đang sở hữu khoảng 300 cặp con chim bồ câu giống trở thành một trong những địa chỉ cung cấp chim bồ câu non, chim giống và chim bồ câu thương phẩm tại địa phương. "Mô hình này là mô hình mới mà hiện nay chưa có ai thực hiện, vì đây là hộ dám chuyển đổi từ vật nuôi truyền thống sang chuyên nuôi Bồ câu, không chỉ vậy mà hộ cũng chịu khó học hỏi để đút rút kinh nghiệm cho việ chăn nuôi của gia đình nên rất đáng biểu dương và nhân rộng, nhất là hiện nay thị trường sử dụng thịt chim bồ câu đáng rất cao, nên thời gian tới xã sẽ tính toán và vận động người dân tham gia để có thêm nguồn thu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo". Ông Giàng A Ly - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, đánh giá.

 Hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ bồ câu đang cao hơn so với nguồn cung. Đặc biệt trên địa bàn huyện Mù Cang Chải số lượng hộ nuôi chưa nhiều, trong khi điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển chăn nuôi chim bồ câu theo hình thức nuôi nhốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do đó, cơ hội làm giàu từ nuôi chim bồ câu vẫn đang rất rộng mở không chỉ riêng đối với anh Hờ A Sùng mà còn là cơ hội với những nông dân thực sự quyết tâm, khao khát làm giàu, dám nghĩ dám làm trên địa bàn./.

A Lù  

đã tặng

Các tin khác:

1-5 of 3841<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Liên kết