Sáng ngày 8/11/2022, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về thực hiện Quy định 142 của Thủ tướng Chính phủ, cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Toàn cảnh chương trình buổi làm việc
Tại buổi làm việc lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải đã báo cáo nhanh về tình hình thực hiện dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải năm học 2022 – 2023. Hiện trên toàn huyện có 40 đơn vị trường học, trong đó có 37 đơn vị trường thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp với 56 điểm trường (55 điểm trường mầm non, 01 điểm trường tiểu học), có 20 Trường PTDTBT và 01 Trường PTDTNT.
Năm học 2022 - 2023, có 09 đơn vị trường triển khai thực hiện dạy học tiếng Mông cho học sinh, tổng số 11 lớp với 363 học sinh. Công tác giáo dục dân tộc được các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao trong thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng học sinh dân tộc vùng khó khăn. Các chế độ chính sách được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hỗ trợ kịp thời cho học sinh, giáo viên giảng dạy nhiệt tình, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; trong quá trình dạy học nghiên cứu và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh.
Tại buổi làm việc lãnh đạo các đơn vị trường được triển khai thực hiện dạy học tiếng Mông đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số vấn đề trọng tâm như: Cần quan tâm đến việc đầu tư, hỗ trợ sách dạy tiếng Mông; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tại các đơn trường được thực hiện dạy tiếng Mông; quan tâm đến chế độ chính sách cho giáo viên đứng lớp cho phù hợp với quy định. Đề nghị Bộ giáo dục cần chính thống hoá chương trình giảng dạy tiếng dân tộc Mông trong trường học; cần có thông tư riêng cụ thể về dạy Mông cho học sinh; cán bộ giáo viên phải có trình độ chuyên môn chính quy về dạy tiếng Mông; hiện tại Mù Cang Chải hiện chưa có giáo viên có trình độ chuyên môn dạy tiếng Mông do đó rất khó khăn trong vấn đề dạy tiếng Mông cho học sinh tại các đơn vị trường trên địa bàn huyện. Đồng thời, bộ cần có những giải pháp mạnh mẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải trong vấn đề giảng dạy nhất là dạy môn tiếng Mông tại các đơn vị trường.
Phát biểu kết luận tại hội nghị ông Nguyễn Văn Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biểu dương và đánh giá cao, ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải là một trong những địa phương đi đầu duy trì và thực hiện có hiệu quả việc dạy môn Tiếng Mông. Về một số nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh. Trước mắt Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch theo Kế hoạch 205 của UBND tỉnh Yên Bái và Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện dạy tiếng Mông trên các cơ sở giáo dục trên địa bàn Mù Cang Chải. Đề nghị Phòng giáo dục huyện cần tập hợp những giáo viên chưa có chứng chỉ tiếng Mông đề xuất gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái để có những giải pháp bồi dưỡng trong dịp hè tại địa phương. Vấn đề thiếu sách giáo khoa, hiện nay Bộ giáo dục đang biên soạn và xuất bản để cung cấp cho các trường đang thực hiện chương trình dạy tiếng Mông để đáp ứng nhu cầu học tập theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề nghị cán bộ, giáo viên tham gia dạy tiếng Mông phát huy tốt những ưu điểm đã đạt được, khắc phục những tồn tại để triển khai thực hiện tốt việc dạy tiếng Mông trên địa bàn huyện để đáp ứng tốt nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số về ngôn ngữ, qua đó nhằm gìn giữ các phong tục tập quán và nền văn hóa của dân tộc trên địa bàn huyện./.
Hồng Mỷ