Với Phụ nữ đồng bào Mông ở Mù Cang Chải họ đều rất tự hào bởi nét đẹp văn hóa trang phục riêng biệt của dân tộc mình. Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi các bộ váy, áo với những hoa văn tinh tế được tạo nên từ chính bàn tay phụ nữ Mông thêu dệt. Bà truyền lại cho cháu, mẹ truyền lại cho con, chị truyền lại cho các em. Trang phục thiếu nữ Mông cứ thế được gìn giữ và bảo tồn mang đậm bản sắc, hồn cốt của người dân nơi rẻo cao
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, chị Lù Thị Chơ, Thị trấn Mù Cang Chải lại cùng với con, các em, các cháu ngồi thêu những hoa văn họa tiết trên váy, áo để mặc hàng ngày và trong những dịp lễ lớn. Chẳng cần vẽ trước hình ảnh, đôi tay thoăn thoắt của các chị kéo dài sợi chỉ. Thú vị nhất là mọi đường kim, mũi chỉ, hình khối được thêu từ trí nhớ và sự sáng tạo của bản thân mỗi người. Những bộ váy áo mặc hàng ngày cũng phải mất cả nửa năm mới hoàn thành. Còn những bộ cầu kỳ hơn để mặc trong những dịp lễ, tết đòi hỏi nhiều chi tiết sặc sỡ, thì mỗi chị em phải mất cả năm mới làm xong. Chị Chơ cho biết thêm. “Đối vớ 1 người phụ nữ Mông thì phải biết cách may và khâu các bộ trang phục của bản thân, những hoa văn trong trang phục này chủ yếu dựa vào truyền miệng và cầm tay để chỉ các mũi kim, đường chỉ cho thế hệ trẻ, nên bắt buộc phải truyền dạy cho các con, các em để trang phục được truyền từ đời này sang đời khác và không bị mai một”.
Trang phục thường ngày của phụ nữ Mông thường được dệt bằng sợi lanh. Người phụ nữ là người trồng lanh dệt vải. Cây lanh sau khi cắt về, được phơi qua một nắng cho héo, rồi phụ nữ Mông khéo léo tách lấy vỏ, cho vào cối giã mềm, tước nhỏ rồi bện chặt thành dây dài. Đặt trên phiến đá lăn đi lăn lại cho bong hết lớp bột chỉ bên ngoài, đến khi sợi lanh trở nên mềm, dài, bắt ánh sáng óng ánh. Sợi lanh được cuộn lại thành những cuộn lớn rồi đem dệt. Lanh được dệt thành vải, đem nhuộm mầu và cuối cùng là lấy sáp ong vẽ lên vải trắng những đường hoa văn. Với những người con gái Mông bộ áo và váy đặc biệt là trang phục cưới được chuẩn bị từ khi các thiếu nữ lên tuổi 14, 15 tuổi. Hoa văn trong trang phục của phụ nữ Mông chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình thoi, hình xoắn ốc. Màu sắc chủ đạo là màu xanh, trắng, đen. Một bộ trang phục cưới gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Áo có cổ hình chữ V được nẹp bằng một vải màu hoặc hoa văn. Hai ống tay áo là những hoa văn đường vằn ngang với đủ màu sắc trên nền chàm. Đặc biệt nhất là trang phục cưới của phụ nữ Mông, Váy có nhiều nếp gấp, mềm mại, khi xòe ra như cánh hoa. Trong trang phục cưới còn có xà cạp quấn quanh chân và xà cạp trước váy. Đồng bào Mông quan niệm, đeo tấm xà cạp trước váy là thể hiện ý tứ và sự kín đáo của người phụ nữ. Trang phục của cô dâu về cơ bản cũng gồm những họa tiết như trang phục truyền thống, song số lượng các hoa văn họa tiết nhiều, phần riềm của chân váy nhất thiết phải là màu đỏ thể hiện khát khao hạnh phúc của người phụ nữ. Chị Giàng Thị Vang xã La Pán Tẩn nói. “Bộ trang phục của người Mông khi mà làm váy áo cưới khác với bộ bình thường. Nó thêu rất nhiều công đoạn, cái chân là màu đỏ, cái chân váy bình thường thì là màu đen. Màu sắc của áo váy cưới có màu sắc sặc sỡ”.
Chị Lù Thị Ninh, Bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải là một trong những người có kinh nghiệm và kỹ thuật cao trong việc tạo ra các trang phục dành cho phụ nữ Mông. Không chỉ làm cho chính mình, truyền dạy lại cho các con, cháu, nhiều khi có thời gian chị Ninh còn làm thêm trang phục để bán. Để hoàn thành cái váy chị Ninh phải mất chừng 4 đến 5 tháng, sau khoảng 5 công đoạn. Mỗi loại váy có một cách làm riêng nhất, khó nhất là công đoạn dùng sáp ong phải mất hơn 1 tuần bởi phải tạo viền xong mới bắt đầu làm vào phần hoa văn chính bên trong. Khi làm xong váy còn phải chuẩn bị thêm cả áo nữa mới thành một bộ quần áo hoàn chỉnh, tuy nhiên các công đoạn của áo thường ít hơn váy. Chị Hờ Thị Ninh, bản Màng Mủ xã Mồ Dề cho hay “Váy áo cung giống như đi học chữ nếu không có người dạy và không chịu khó học tập thì không thể làm được 1 bộ quần áo, nhất là trang phục người phụ nữ và mỗi bộ quần áo nếu bán ra thị trường phải vài triệu. Ngày xưa khi chưa có kinh nghiệm, còn chậm để làm xong 1 bộ vay áo phải mất cả năm. Dần dần tôi làm quen hơn, nhanh hơn nên giờ công đoạn nào cũng rút gọn lại, không vất vả như ngày xưa mà đường may lại rất đẹp”.
Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong từng công đoạn làm nên bộ trang phục, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải. Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Mỗi hoa văn, đường nét trên trang phục phụ nữ dân tộc Mông ngoài biểu hiện tâm tư tình cảm thì đối với các cô gái còn là tiêu chuẩn đánh giá tài năng và phẩm hạnh. Người phụ nữ giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Bởi vậy, váy thêu đẹp trở thành tài sản của người phụ nữ. Cùng với váy và áo, trang phục của người phụ nữ Mông còn có các phụ kiện như mũ đội đầu, vòng cổ. Các đồ vật đều là những đồ vật được chuẩn bị qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông.
Ngắm trang phục của người phụ nữ Mông, mọi người sẽ đắm chìm trong vườn hoa thổ cẩm muôn sắc màu, để từ đó cảm nhận được vẻ đẹp mặn mà của những thiếu nữ miền sơn cước. Đó cũng là cách phụ nữ vùng cao gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
A Lù