An ninh vùng nông thôn là lĩnh vực cần được quan tâm, bởi những tính chất đặc thù của làng quê, nơi đa số người dân có trình độ thấp, đời sống kinh tế - xã hội chưa phát triển, ẩn chứa những hủ tục lạc hậu...
Công an huyện Mù Cang Chải tuyên truyền về phòng chống ma túy
Có quan tâm đến an ninh nông thôn mới thấy, một số vấn đề đang nảy sinh và có dấu hiệu phát triển ở nhiều làng quê. Đó là, mâu thuẫn nội bộ nhân dân xuất phát từ tranh chấp đất đai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, cá biệt có vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực; tệ nạn ma túy về làng kéo theo nạn trộm cắp; tình trạng cờ bạc, lô đề cũng xuất hiện và phát triển nhanh chóng…
Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức về tâm lý và mô hình tội phạm vùng nông thôn ở Mù Cang Chải, nhưng qua xem xét tình hình an ninh trật tự tại nhiều thôn quê cho thấy kiểu hành xử bằng bạo lực đang có dấu hiệu gia tăng. Thanh niên nông thôn vốn hiền lành, chất phác vậy mà chỉ vì hám lợi trước mắt đã dấn thân vào con đường phạm tội, như buôn bán trái phép các chất ma túy, buôn bán người. Điển hình như vụ Giàng A Chầu, sinh năm 1990, trú tại bản Nả Dề Thàng, xã Khao Mang. Chầu khai nhận với cơ quan điều tra đã lừa và đưa 2 bị hại là Giàng Thị Xủ và Giàng Thị Dà, đều trú tại xã Lao Chải, sang Trung Quốc bán cho một người không biết tên từ khoảng tháng 10/2011.... rồi đến vụ Mùa Thị Pàng, sinh năm 1987, trú tại bản Huy Páo, xã Nậm Có đi cùng với 4 người khác gồm: Sùng Thị Vang, sinh năm 1993, Mùa Thị Xú, sinh năm 1992, trú tại bản Tu San và Chang Thị Sua, sinh năm 1989, Lý Thị Nhà, sinh năm 1996, trú tại bản Thào Sa Chải, tất cả đều là người xã Nậm Có.
Tại cơ quan điều tra, Pàng đã khai nhận, từ tháng 4/2012 xuất cảnh trái phép và đã lấy chồng Trung Quốc. Ngày 6/7/2012 về thăm gia đình và rủ rê 4 cô gái đi cùng với ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lấy chồng thì bị bắt. Vụ việc được Công an huyện hoàn tất hồ sơ, ra quyết định tạm giữ Mùa Thị Pàng về hành vi tổ chức, lôi kéo người trốn ra nước ngoài. Gần đây nhất vào ngày 29/6/2016 Tòa án nhân dân Tỉnh Yên Bái đã xét xử lưu động đối với bị cáo Lý A Tính, sinh ngày 03/7/1994 trú tại bản Pú Nhu xã La Pán Tẩn cùng đồng bọn là Giàng A Mảnh trú tại bản Nậm Khắt xã Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải về tội mua bán người.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc rất nhỏ, nhưng gặp phải “cái đầu nóng” của những thanh niên manh động đã dẫn đến những vụ án cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người...
Từ những thực tế trên, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải có những giải pháp tích cực hơn, cụ thể hơn để đảm bảo ổn định bền vững an ninh nông thôn. Trong đó, cần ưu tiên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng mạnh vào tuổi trẻ và các gia đình, phấn đấu xây dựng gia đình trở thành một thành trì phòng chống tội phạm. Ở nông thôn, rất cần đề cao vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các tổ hòa giải ở cơ sở nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc ngay khi mới phát sinh.
Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao chất lượng ban công an xã, để đội ngũ công an xã thực sự là nòng cốt trong đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Một vấn đề đáng quan tâm, là hình thức viết thư, gửi thư qua hòm thư tố giác tội phạm đã không còn phù hợp, nhân dân đề nghị công khai số điện thoại của công an viên, trưởng công an xã, công an huyện phụ trách địa bàn, chủ tịch UBND xã để có thể điện thoại trao đổi, trình báo, cung cấp thông tin... ở cơ sở khi có vụ việc xảy ra.
Để mỗi thôn quê trở nên thanh bình, bà con nông dân yên tâm lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, điều quan trọng là tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp chính quyền và công an cơ sở; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa đấu tranh, xây dựng. Hơn hết, là trách nhiệm và những việc làm cụ thể từ mỗi người dân. Nông thôn là địa bàn, người dân là chủ thể và cũng chính là nhân tố quyết định trong công tác đảm bảo an ninh nông thôn.