LỊCH SỬ - VĂN HÓA


      Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa lâu đời. Nằm ở vị trí quan trọng về chiến lược không chỉ ở tỉnh mà còn ở cả vùng Tây Bắc của Tổ quốc, vì vậy từ xưa kẻ thù luôn nhòm ngó. Khi thực dân Pháp xâm lược Yên Bái, chúng thường xuyên tổ chức nhiều đợt tấn công lên miền đất này nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các dân tộc dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh người Mông là Giàng Nủ Giao, Thào Chín Lừ, thủ lĩnh người Dao là Đặng Phúc Thành làm cho chúng không vào được mảnh đất Mù Cang Chải.

      Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược mảnh đất này lần thứ hai, với truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng những người con quê hương Mù Cang Chải lại anh dũng đứng lên chống Pháp. Tên tuổi các đội du kích gắn liền với các cuộc kháng chiến thần thánh của cả dân tộc góp phần giải phóng quê hương khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp.

      Hòa bình lập lại trên miền Bắc, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã làm tốt phong trào vận động hình thành Khu tự trị, cải cách dân chủ kết hợp xây dựng hợp tác xã, thiết lập quan hệ sản xuất mới. Cùng với quân dân cả nước đảng bộ Mù Cang Chải đã thường xuyên phát động các phong trào chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      Trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ Mù Cang Chải đã có những bước trưởng thành vượt bậc từ cuộc sống tăm tối, mù chữ, đói nghèo, phiêu bạt từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Ngày nay, con em người dân nơi đây đã được học chữ, nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, thầy giáo giỏi, nhiều người đang giữ các cương vị chủ chốt của tỉnh, của huyện. Ghi nhận những thành quả đạt được vượt bậc và những cống hiến lớn lao, năm 2000, Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

     Về văn hóa, huyện Mù Cang Chải có tổng số dân là 48.656 người, trong đó 90% là dân tộc Mông còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

      Về văn hóa của người Mông có những nét rất đặc sắc như nhà ở của người Mông nền đất. Cột và khung nhà bằng gỗ, tường lịa ván mái lợp gỗ pơmu chẻ mỏng. Khi các gia đình người Mông dựng nhà đều làm lễ “ Dựng thần cửa” với ý nghĩa bảo vệ con người và tài sản gia đình.

     Tín ngưỡng truyền thống của người Mông là thờ đa thần. Họ thờ cúng tổ tiên là ông bà, cha mẹ...Thờ cúng tổ tiên được coi là nghi lễ tín ngưỡng có tính cộng đồng mạnh mẽ, có tác dụng bảo tồn và gìn giữ cội nguồn văn hóa truyền thống.

      Người Mông ăn tết vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết Nguyên đán cổ truyền 1 tháng). Hàng năm vào ngày 30 tết, họ đóng 1 tập giấy bản vào vách, khi mổ gà cúng, lấy lông gà chấm vào tiết dính lên trên tập giấy đó. Người Mông quan niệm thần nhà là biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang. Ngày tất niên, họ trang trọng làm lễ cúng thần nhà, để tỏ rõ sự biết ơn và cầu xin thần nhà phù hộ cho một năm mới tốt đẹp.

      Trong những ngày tết, cộng đồng người Mông thường tổ chức đua ngựa, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, hội Gầu tào, ném pao...Thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp, rủ nhau đi chơi, thổi kèn lá, kèn môi, ném pao, hát đúm. Ngày tết còn có ý nghĩa là ngày hội giao duyên của các đôi trai gái.

      Người Thái ở nhà sàn, trong đó Thái đen nhà chỉ có một cầu thang, hai đầu hồi nhà có hai khau cút, họ thích mặc vải nhuộm chàm, vải đen, vải láng. Nhà sàn người Thái trắng mái hình chữ nhật với những lan can chạy trước nhà, nơi thờ cúng thường được đặt ở góc nhà, trang phục của người phụ nữ Thái thường mặc áo sửa cỏm, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, ve sầu, nhện gọi là mắc pém rất đẹp, khoảng giữa cạp váy và gấu áo được cuốn thắt lưng vải màu, đeo xà tích từ 4 đến 8 tua. Kho tàng văn hóa dân gian của người Thái khá phong phú. Dân ca được thể hiện bằng các làn điệukhắp, then, khắp chiêu, khắp páo xao. Trong các dịp hội xuân, hát gọi người yêu, hát đám cưới...khắpxên cốn tai trong đám ma....nhạc cụ sử dụng gồm các loại như pí piềng, pí tam láy, pí một lao. Múa xòe được truyền thụ qua nhiều thế hệ thường được tổ chức trong các ngày lễ hội. Các trò chơi như ném còn, đánh yến cùng các làn điệu hát giao duyên, hát đồng dao, được bảo tồn và phát huy.

Thư viện ảnh

      

Thư viện Video

Liên kết